Đến tận nhà để tư vấn hướng dẫn cho sản phụ làm mẹ an toàn
Nhằm hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông nhân Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề “Sức khoẻ cho mẹ, tương lai cho bé” do Bộ Y tế phát động. Ngày 29/9/2023, Đoàn Công tác Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương do ông Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm dẫn đầu đã đến công tác tại Trạm Y tế xã Ngọc Sơn, Trạm Y tế xã Quyết Thắng tại tỉnh Hoà Bình (đây là 2 trong 3 xã vùng cao, tập trung đông dân cư, với trên 90% là dân tộc Mường của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình).
Chúng tôi tưởng đã phải hoãn chuyển đi vì con đường lên Xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) bị chia cắt bởi núi sạt sau trận mưa lớn. Từ TP Hòa Bình lên xã chỉ hơn 60km, đường đã được trải nhựa nhưng nền đường đã xuống cấp, đất đá, gồ ghề nhiều ổ voi, ổ gà, nhiều vị trí dốc, một bên là vực sâu, sương mù che phủ... nên gần 3 tiếng đồng hồ xe mới bò được đến nơi.
Buổi tư vấn nguy cơ trước và sau sinh cho các sản phụ gần đến ngày sinh nở |
Tại trạm y tế xã, chúng tôi được chứng kiến buổi tư vấn trực tiếp của các y sĩ, điều dưỡng cho các sản phụ gần đến tháng sinh về việc chăm sóc bà mẹ trước và sau sinh. Tại đây, các sản phụ được phổ biến các kiến thức về sinh con chủ động an toàn, nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm trước, trong và sau sinh, dinh dưỡng cho con trong thai kỳ và sau sinh...
Sản Phụ Bùi Thị Giang (27 tuổi, xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn) cho biết, dù chị đang mang thai con thứ 2 được 7 tháng nhưng chị vẫn được các y bác sĩ và cộng tác viên dân số tư vấn và chỉ dẫn rất nhiệt tình.
Trước khi kết hôn chị và chồng được tư vấn sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh tan máu bẩm sinh và các công việc chuẩn bị khi mang thai. Khi có thai chị đến ngay trạm y tế xã nhận sổ hồng và tiếp tục được cán bộ y tế tới tận nhà, tận xóm tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt... để làm mẹ an toàn, các mốc thăm khám và tiêm chủng...Với sự nhiệt tình, chu đáo và hướng dẫn tỷ mỷ của nhân viên y tế nên chị rất an tâm dù 3 năm mang thai 2 lần.
Tư vấn cho sản phụ Bùi Thị Giang |
Tương tự, sản phụ Bùi Thị Mơ (20 tuổi, xóm Tra, xã Ngọc Sơn) cho biết, lần đầu mang thai không có kinh nghiệm nên lúc đầu em rất lo lắng. Khi bắt đầu có thai em đã đến trung tâm xã khám và được tham gia các buổi tư vấn nắm vững các kiến thức dinh dưỡng, cách theo dõi chăm sóc thai trong từng thời kỳ, tiêm phòng uốn ván, chuẩn bị khi sinh và chăm sóc sau sinh cho cả mẹ và bé...rất bổ ích nên em rất yên tâm. Hiện tại em đã khám thai 3 lần, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh, bé tăng trưởng tốt...
Chia sẻ với Đoàn công tác, Y sỹ Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Trạm xã Ngọc Sơn cho biết, xã Ngọc Sơn nằm ở phía Tây của huyện Lạc Sơn; là xã thuộc Vùng cao, với độ cao 650m so với mặt nước biển; là xã thuộc khu vực III; xã có tổng dân số 700 hộ với 3.000 nhân khẩu; diện tích tự nhiên là hơn 338km2, được tổ chức thành 6 xóm.
Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Sơn Nguyễn Thị Liên tư vấn cho các bà bầu về cách chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng trong quá trình mang thai |
Thu nhập chính của người dân chủ yếu từ nông nghiệp và đồi rừng. Tỷ lệ hộ nghèo là 33,4%, hộ cận nghèo là 25,9%. Hệ thống điện lưới đạt 98% hộ dân trong xã được sử dụng; hệ thống đường giao thông được mở đến các xóm nhưng chưa phủ khắp các tuyến đường. Thành phần dân tộc gồm 94,3% là dân tộc Mường, còn lại là dân tộc khác; Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 552 người. Tổng số trẻ dưới 5 tuổi: 207 trẻ. Trạm y tế xã gồm 7 cán bộ, trạm đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn I năm 2012, tại các xóm đều có nhân viên y tế thôn bản
Tuy Ngọc Sơn là một xã nhỏ còn nghèo nhưng trong những năm gần đây, vấn đề sức khỏe luôn được quan tâm hàng đầu, bởi có sức khỏe thì sẽ có tất cả. Công tác chăm sóc sức khỏe được Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện giúp đỡ hỗ trợ. Cùng với sự phối kết hợp của Mặt trận tổ quốc, các ngành, đoàn thể có liên quan và của Ban đại diện các xóm cùng với và sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Y tế. Đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề của đội ngũ cán bộ Trạm y tế và nhân viên y tế các thôn, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã được quan tâm sát sao.
Trạm cử cán bộ trực tiếp xuống các xóm tuyên truyền về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản.....
Truyền thông về làm mẹ an toàn: Phối hợp với cán bộ văn hóa xã tổ chức truyền thông lưu động. Truyền thông trực tiếp: Đế cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh, trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn xã; phối hợp với y tế thôn bản tổ chức thăm sản phụ tại nhà sau đẻ 42 ngày (3 lần thăm).
Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và y tế thôn, bản, làm nòng cốt; lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; lồng ghép các nội dung về Làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng (mô hình chăm sóc dinh dưỡng chăm sóc trẻ 1000 ngày đầu đời, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ...).
Tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em |
Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tăng cường hơn các dịch vụ liên quan đến Làm mẹ an toàn, tập trung vào chăm sóc trước sinh, hỗ trợ chăm sóc trong sinh, hỗ trợ chăm sóc sau sinh.
Truyền thông rộng rãi hơn về lợi ích của, việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này.... Tổ chức hoạt động truyền thông tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn tại cộng đồng tại các xóm có mô hình và các xóm chưa có mô hình.
Các hoạt động cần vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...) ủng hộ và tham gia các hoạt động làm mẹ an toàn, như đưa nội dung Làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng, dòng họ; tham dự và phát biểu tại các hội nghị, sinh hoạt cộng đồng...về làm mẹ an toàn.
Các nhóm thực phẩm được Trạm Y tế xã Ngọc Sơn chuẩn bị rất bắt mắt và đầy đủ để tư vấn cho các phụ nữ đang mang thai được theo dõi tại Trạm |
Vượt qua khó khăn để bảo vệ bà mẹ, trẻ em
Y sĩ Liên cho biết, không chỉ các buổi truyền thông thiếu phương tiện; Đường đến 1 số điểm xóm đi lại khó khăn; 1 số hộ dân trong các hẻm núi hệ thống mạng không phủ sóng được; 1 số người dân còn chưa chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe; Nhiều thủ tục lạc hậu còn tiềm ẩn...các cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản, không kể ngày đêm, đường xá khó khăn, sự thiếu hợp tác... vẫn miệt mài đến tận thôn xóm và mỗi gia đình để làm công tác dân số. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã đã đạt được nhiều thành tựu.
Trong 9 tháng qua trạm tổ chức quản lý các bệnh truyền nhiễm, tổ chức truyền thông dưới mọi hình thức, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường... Nên không có dịch bệnh lớn xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh. Trạm y tế đã khám cho 2168 lượt người, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ < 1 tuổi: 25/30 trẻ đạt 83%. Tiêm tiêm Sởi-Rubela 18 tháng: 30/35 trẻ đạt 85,7%; Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai: đạt 89%; Tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 2,3 cho trẻ từ 1-5 tuổi: 30/35 trẻ đạt 85,7%.
Trên 90% phụ nữ đẻ được khám thai đủ và đúng lịch; Trên 90% bà mẹ mang thai được xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con bao gồm HIV, Viêm gan B và Giang mai; 89% bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván đủ mũi và 100% bà mẹ bổ sung viên sắt để phòng chống thiếu máu; 100% Sản phụ sinh con tại cơ sở y tế và 100% bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám tại nhà sau khi sinh.
Hơn nữa, Trạm thành lập Ban điều hành "mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời", duy trì hoạt động, hàng tháng mở các lớp truyền thông, trình diễn bữa ăn. Trạm tổ chức truyền thông trực tiếp = 04 buổi (đối tượng: phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh). Thực hiện tốt công tác truyền thông các Dự án về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mẹ và bé. Nhờ đó, trong nhiều năm qua tại xã không có trường hợp tai biến sản khoa và không có tử vong mẹ, không có tử vong sơ sinh. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng là 9,85%.
100% phụ nữ đang mang thai tại Trạm Y tế xã Ngọc Sơn được theo dõi qua Sổ hồng và được tư vấn sức khoẻ từ cán bộ y tế Trạm |
Trong thời gian qua công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của xã Ngọc Sơn luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ. Trạm y tế xã thực hiện cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc bà mẹ trẻ em theo đúng hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng luôn được chú trọng.
Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ; hỗ trợ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện; theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong 42 ngày sau sinh; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình…