51 tỉnh thành sẽ triển khai tuần lễ làm mẹ an toàn

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, Bộ Y tế triển khai tuần lễ an toàn tại 51 tỉnh thành từ ngày 1-7/10/2023.

Giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế vừa có công văn hướng dẫn địa phương và các đơn vị liên quan triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023.

Theo đó, chủ đề của Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 là "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé" diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023. Địa bàn triển khai là 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình).

Vụ sức khỏe, Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Chính vì vậy, các nội dung giáo dục sức khoẻ về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” trong khuôn khổ Dự án 7 – Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi.

51 tỉnh thành sẽ triển khai tuần lễ làm mẹ an toàn ảnh 1

51 tỉnh thành sẽ triển khai tuần lễ làm mẹ an toàn

Mục tiêu cụ thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn.

Tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh được tiếp cận dịch vụ

Chỉ tiêu cụ thể, Bộ y tế giao cho các địa phương trong “Tuần lễ Làm mẹ an toàn”: Cung cấp thông tin về Làm mẹ an toàn cho:

+ 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương;

+ Ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã;

+ Ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

- Vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về Làm mẹ an toàn.

Các dịch vụ liên quan đến Làm mẹ an toàn chủ yếu tập trung vào 3 gói dịch vụ (1) chăm sóc trước sinh (2) Hỗ trợ chăm sóc trong sinh (3) Hỗ trợ chăm sóc sau sinh. Hiện các dịch vụ vẫn được cung cấp thường quy theo chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn của các đơn vị, nhưng trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn cần được tăng cường hơn, tiếp cận được nhiều bệnh nhân hơn với hiệu suất và hiệu quả cao hơn. Các hoạt động bao gồm:

Yêu cầu đối với các dịch vụ trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn (tại các cơ sở):

+ Tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của, việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này...

+ Chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, vật tư tiêu hao sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ.

+ Kéo dài thời gian phục vụ (nếu cần), chỉ đóng cửa khi hết bệnh nhân;

+ Tinh thần thái độ làm việc thân thiện hơn, cởi mở, nhiệt tình, trách nhiệm hơn;

+ Cử cán bộ có chuyên môn phù hợp hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

+ Tổ chức hoạt động truyền thông tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn tại cộng đồng tại các xã khu vực III.

Khẩu hiệu của tuần lễ làm mẹ an toàn

1. Phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, hãy khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai!

2. Phụ nữ mang thai hãy tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để phòng uốn ván cho cả mẹ và con!

3. Để mẹ khỏe, con khỏe, phụ nữ mang thai cần ăn uống đầy đủ và uống bổ sung sắt- axit folic!

4. Phụ nữ mang thai hãy khám thai định kỳ ít nhất 4 lần và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con!

5. Chăm sóc đúng cách trong thời kỳ sơ sinh giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt!

6. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm Viêm gan B, giang mai và HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con!

7. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ;

8. Người chồng và gia đình cần giúp bà mẹ về vật chất và tinh thần trong quá trình sinh con và chăm sóc trẻ sau sinh!

9. Gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ để tạo môi trường an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

10. Nhiệt liệt ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn!

11. Làm mẹ an toàn là quyền và lợi ích của phụ nữ;

12. Làm mẹ an toàn - Bình an cuộc sống;

13. Khám thai định kỳ - an toàn cho mẹ, sức khỏe cho con;

14. Sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con;

15. Vợ, chồng đồng hành thực hiện Làm mẹ an toàn;

16. Vì sức khỏe của mẹ và con, vợ chồng cần biết và thực hành Làm mẹ an toàn.

Theo Đời sống
back to top