Mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong

Ở nước ta cứ 100 trẻ dưới 1 tuổi tử vong thì có 70-80 trẻ sơ sinh; tỷ lệ này với trẻ dưới 5 tuổi là 50-60. Mỗi ngày cả nước có bình quân 39 trẻ sơ sinh tử vong.

Đó là thông tin TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tại “Hội nghị chia sẻ thông tin nhân tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 và Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” do Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TƯ (Bộ Y tế tổ chức).

Phát biểu tại Hội nghị, TS Trần Đăng Khoa cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong những năm qua đã có 1 bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt > 80. Tỷ lệ phụ nữ sinh con được nhân viên y tế đỡ duy trì ở mức 95 – 97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong vòng 7 ngày đầu sau đẻ duy trì trong khoảng 75 – 80%.

Tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam từ những năm 1990 là 233 ca đến năm 2000 giảm còn 165 ca, năm 2009 giảm còn 69 ca, năm 2019 là 46 ca và sẽ vượt chỉ tiêu giảm xuống 45 ca vào năm 2030. Việt Nam được 4 tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá là nước thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong mẹ thấp, đứng hàng thứ 4 sau Sing, Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, theo ước tính của các tổ chức Liên hợp quốc, tỉ suất tử vong sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam đã giảm, năm 2021 ở mức 9,96‰. Chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9‰; dưới 1 tuổi là 12,1‰.

Dù vậy, con số này còn cao so với một số nước cùng mức thu nhập. Chẳng hạn, tại Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8‰. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2‰.

TS Trần Đăng khoa phát biểu tại Hội Nghị

TS Trần Đăng khoa phát biểu tại Hội Nghị

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), chỉ số này còn “khoảng cách khá xa” với Việt Nam và chúng ta khó đạt được, dù đây là con số thấp nhất từ năm 1990 trở lại đây.

Bên cạnh đó, ở nước ta cứ 100 trẻ dưới 1 tuổi tử vong thì có tới 70-80 trẻ sơ sinh; tỷ lệ này với trẻ dưới 5 tuổi là 50-60. “Mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh ở Việt Nam tử vong, ngành y tế đang cố gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị; tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở nông thôn cao hơn gấp 2 lần so với thành thị. Bên cạnh đó, tình trạng tử vong mẹ ở vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn cũng cao gấp hơn 3 lần thành phố.

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân đầu tiên trong các thách thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em là thiếu trầm trọng nhân lực. Cụ thể là cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức hiện đang rất thiếu. Có 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.

Bên cạnh đó, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh như: Sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế ở những vùng khó khăn…

Đặc biệt, ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, việc duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó do y tế thôn bản hay cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điển hình như ở Tuyên Quang, có 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động.

“Nếu được chăm sóc, dinh dưỡng tốt thì tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ giảm thêm khoảng 30% trong một vài năm tới. Hiện ngành y tế đang cố gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này”, ông Khoa nói.

Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 7-10 với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”.

Chương trình triển khai tại 51 tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chương trình là tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Theo Đời sống
back to top