WHO phê duyệt văcxin sốt rét đầu tiên

Lần đầu tiên, văcxin ngừa sốt rét với 4 liều vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Theo TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, sử dụng văcxin ngừa sốt rét RTS, S (Mosquirix) cùng với các phương pháp hiện có sẽ giúp ngăn ngừa bệnh sốt rét và có thể cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm.

Theo đó, văcxin sốt rét nên được tiêm 4 liều cho trẻ từ 5 tháng tuổi để giảm gánh nặng và bệnh tật do sốt rét.

malaria-vaccine.jpg
Lần đầu tiên trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phê duyệt vắcxin ngừa sốt rét. 

Khuyến nghị dựa trên kết quả từ một chương trình thử nghiệm đang diễn ra ở Ghana, Kenya và Malawi, đã tiếp cận hơn 800.000 trẻ em từ năm 2019. Cho đến nay, hơn 2,3 triệu liều văcxin đã được sử dụng, giúp giảm đáng kể (30%) trường hợp sốt rét ác tính chết người.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, văcxin này có hiệu quả chống lại bệnh sốt rét ác tính khoảng 50% trong năm đầu tiên, nhưng con số này đã giảm xuống gần bằng 0 vào năm thứ tư.

Một nghiên cứu do Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, Anh quốc dẫn đầu cho thấy, khi trẻ nhỏ được sử dụng cả văcxin và thuốc chống sốt rét, tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong giảm 70%.

Sốt rét vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong ở trẻ em ở châu Phi cận Sahara. Hơn 260.000 trẻ em châu Phi dưới 5 tuổi chết vì bệnh sốt rét hàng năm.

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đến năm 2020 số người mắc bệnh sốt rét là 1.733 người; tỷ lệ là 0,02/1.000 dân; số người chết do bị bệnh sốt rét chỉ còn 1 trường hợp.

Bệnh sốt rét hiện tập trung chủ yếu ở Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Bên cạnh văcxin, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân các vùng có sốt rét lưu hành phải diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người, ngủ mùng tẩm hóa chất…

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top