Vinahud tiếp tục “chìm sâu”, lỗ lũy kế 240 tỷ đồng

Áp lực lãi vay quá lớn khiến Vinahud (VHD) tiếp tục báo lỗ hơn 55 tỷ đồng trong quý 2/2024, đẩy tổng lỗ lũy kế của công ty vượt quá 240 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024, với doanh thu thuần 69 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, giá vốn giảm 14% giúp lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,3 tỷ đồng lên 3,8 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính của Vinahud giảm 32,5%, còn 11 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 44,5% lên 62 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 55 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ thuế phí, Vinahud báo lỗ sau thuế hơn 55 tỷ đồng, không cải thiện nhiều so với khoản lỗ 60 tỷ đồng của quý II/2023, nâng lỗ lũy kế lên 241 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2024.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinahud ghi nhận doanh thu thuần 119 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái. Chi phí tài chính tăng 144% lên 116,9 tỷ đồng, dẫn đến lỗ sau thuế 106,5 tỷ đồng, xa rời mục tiêu lãi 18,75 tỷ đồng đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6.

Dù lỗ lớn trong nửa đầu năm, tổng nguồn vốn của Vinahud tính đến ngày 30/6/2024 vẫn tăng 1,55% so với đầu năm, đạt 5.052 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm 4.913 tỷ đồng, tăng 3,9%. Nợ vay tài chính là 2.629 tỷ đồng, tăng 11,5%, bao gồm 328 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.301 tỷ đồng vay dài hạn.

Phần lớn nợ của Vinahud đến từ 1.986 tỷ đồng vay dài hạn từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), không đổi so với đầu năm. Trong quý II/2024, Vinahud còn phát sinh khoản nợ 303 tỷ đồng với CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group).

Theo tìm hiểu, R&H Group là đối tác của Vinahud trong hai năm qua. Tính đến cuối quý II/2024, Vinahud ghi nhận 510 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn từ R&H.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/4/2023, cổ đông Vinahud đã thông qua việc nhận chuyển nhượng từ R&H Group 83% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends với giá 987,5 tỷ đồng và 100% Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng. Tổng giá trị của hai thương vụ là 1.937,5 tỷ đồng, trong đó 80% nguồn vốn (1.550 tỷ đồng) sẽ được thu xếp bởi TPBank, cao gấp 2,6 lần tổng tài sản và 3,8 lần vốn chủ sở hữu của Vinahud tại đầu năm 2023.

Các thương vụ M&A này diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn từ ngày 14/4-3/5/2023. Giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, R&H Group đã phát hành thành công 8.150 tỷ đồng trái phiếu, do CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) thu xếp.

Vinahud “chìm sâu” trong lỗ lũy kế lên tới 240 tỷ đồng

Vinahud “chìm sâu” trong lỗ lũy kế lên tới 240 tỷ đồng

Liên quan đến khoản nợ tại TPBank, Vinahud đã triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức cuối tháng 8/2024. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc chuyển nhượng phần vốn góp của Vinahud tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng và thanh toán trước hạn khoản vay tại TPBank.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào tháng 6, Vinahud cho biết đang tìm nhà đầu tư cho dự án Làng Hoa và có thể bán một phần vốn để tăng nguồn thu và giảm chi phí vay.

Có thể doanh nghiệp đã tìm được nhà đầu tư liên quan để chuyển nhượng dự án này, nên cần tổ chức đại hội để được cổ đông thông qua. Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong, dự án chậm triển khai nhiều năm tại huyện Mê Linh, dự kiến xây dựng trên diện tích khoảng 40ha với tổng mức đầu tư 3.864,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên 2023, Vinahud đã đầu tư 39,732% cổ phần vào CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Về tiến độ dự án, lãnh đạo Vinahud cho biết công ty chưa có kế hoạch gia tăng sở hữu tại Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Dự án đang hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai và chưa đủ điều kiện khởi công. HĐQT đang phối hợp cùng các đối tác trong liên doanh triển khai dự án, với mục tiêu khởi công trong năm 2025.

Theo Đời sống
Lãi quý 3 sụt giảm 12%, ITA nói gì?

Lãi quý 3 sụt giảm 12%, ITA nói gì?

Theo giải trình của ITA, doanh nghiệp này cho rằng Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ban hành các quyết định cảnh báo và quyết định cao nhất là đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu ITA.
Petrovietnam thiết lập những kỷ lục trong SXKD

Petrovietnam thiết lập những kỷ lục trong SXKD

Từ năm 2020 trở lại đây, việc triển khai hiệu quả, đồng bộ giải pháp “quản trị biến động” đã giúp Petrovietnam vượt khó ngoạn mục, liên tục thiết lập nhiều kỷ lục trong SXKD, tạo đà “vươn tới đỉnh cao mới”.
back to top