VietAbank: Kinh doanh lẹt đẹt, yếu vẫn chịu chơi

(khoahocdoisong.vn) - Hiệu quả từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Việt Á (VietAbank) chưa được cải thiện, nhiều khoản đầu tư gần như không thu lãi, chưa hoàn tất được việc tăng vốn điều lệ theo kế hoạch.... VietAbank vẫn nằm trong top dưới trong hệ thống ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh kém

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Việt Á đến 31/12/2019 là 300 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng 100,91% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được chủ yếu đến từ giảm chi phí dự phòng rủi ro (giảm 126 tỷ đồng, tương đương với 27% chi phí dự phòng của 2018) và tăng lãi thu được từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (tăng 10,6 tỷ đồng).

Tăng trưởng tín dụng của VietAbank không tăng nhiều từ 2017 đến nay, vẫn loanh quanh ở mức trên dưới 12%. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm 2019 đạt 14,7%. Thu nhập lãi thuần giảm 8,4% (93 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Khả năng sinh lời của VietAbank trong vòng 5 năm trở lại đây không có sự thay đổi rõ rệt, vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.

Chỉ số sinh lời trên vốn sở hữu (ROE) từ năm 2016 - 2018 luôn dưới 3%, đến 2019 nhỉnh lên 5,6%, cho thấy lợi nhuận thu được của các cổ đông trên vốn sở hữu rất thấp. (Chỉ số ROE năm 2019 của Ngân hàng An Bình là 13,78%; Ngân hàng Tiên phong 26,11%, Oceanbank là 25,44%.

Cũng so sánh với các ngân hàng khác về khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA), như Ngân hàng An Bình là 1,5%, Ngân hàng Bắc Á 0,73%, thì chỉ số ROA của Ngân hàng Việt Á ở mức 0,3% là quá thấp.

Thu nhập lãi cận biên (NIM) cũng không cao, chỉ là 1,48%, cho thấy việc kinh doanh không mang lại hiệu quả của ngân hàng này trong năm vừa qua.

Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp VietAbank lại lỡ hẹn với mục tiêu tăng quy mô vốn điều lệ vì nhiều lý do. Năm nay, VietAbank lại tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.499 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phần.

Nợ xấu của VietAbank đến nay vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư, khi mà nhiều năm ngân hàng này không công khai phần thuyết minh của báo cáo tài chính. Số lãi dự thu và chi phí dự phòng rủi ro còn khá cao, không chỉ tạo nghi ngờ về con số nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng, mà đặt ra nghi vấn về độ minh bạch của các số liệu trong báo cáo (duy nhất năm 2017, Ngân hàng công bố báo cáo tài chính có đầy đủ thuyết minh.)

Thêm nữa, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VietAbank cho thấy, năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng âm hơn 1.200 tỷ đồng.

Trong số này, gần 420 tỷ đồng do giảm các khoản thu nhập từ lãi và các khoản tương tự. Con số lợi nhuận từ chênh lệch thực thu kinh doanh ngoại hối, vàng bạc, chứng khoán hơn 13 tỷ đồng là yếu tố giúp giảm đi số âm dòng tiền mà VietAbank phát sinh năm vừa qua.

Khối lượng tiền lớn của ngân hàng này bị đọng lại chủ yếu ở các khoản về kinh doanh chứng khoán (gần 1.400 tỷ đồng), các công cụ tài chính phái sinh (hơn 4.800 tỷ đồng).

Yếu vẫn chịu chơi

Từ nhiều năm nay, VietAbank “rất chịu chơi”, bỏ ra hơn chục nghìn tỉ đồng để hoạt động chứng khoán đầu tư. Nhưng mà lãi thu được từ hoạt động đầu tư này lại không đáng bao nhiêu. Ngoại trừ năm 2017, VietAbank thu lãi về 35 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, còn lại hoặc là lỗ lớn 87 tỷ năm 2016 hoặc là chỉ thu hơn 1 tỷ tiền lãi vào những năm 2018 và 2019.

Bỏ ra hơn 13.442 tỷ đồng, chiếm đến 18% giá trị tổng tài sản, nhưng chỉ thu lãi về khoảng 1,8 tỷ (năm 2019) hay 1,6 tỷ (năm 2018) tương đương 0,01% số tiền đầu tư, lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư của VietAbank quá thấp và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều gì xảy ra với các khoản đầu tư chứng khoán này, khi mà khoản lãi thu về bỗng dưng “rơi thẳng đứng” từ cuối năm 2017 đến nay?

Trùng hợp là trong hoạt động chứng khoán đầu tư, ngân hàng cũng tăng mạnh chi phí dự phòng giảm giá, tổn thất lên tới 839 tỷ đồng, một con số quá lớn và cũng bất bình thường cho hoạt động đầu tư này.

Lấy ví dụ về ngân hàng khác, chẳng hạn như tại SHB, ngân hàng này chi 6% tổng tài sản, tương đương 21.594 tỷ đồng để hoạt động chứng khoán đầu tư, nhưng cho kết quả thu lãi 470 tỷ đồng, tức khoảng 2,18% số tiền đã chi. Hay VietBank cũng đầu tư chứng khoán tới 10.601 tỷ đồng (15% tổng tài sản), nhưng thu về đến 310 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong khoản chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, VietAbank đầu tư 400 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty Năng lượng Điện Biên Sông Hồng, ngày đáo hạn là 9 năm, lãi suất năm đầu là 11,5%. Từ năm thứ hai trở đi, lãi suất được tính thả nổi bằng lãi suất huy động cộng với 4%. Như vậy, có đến 40 tỷ đồng lãi mỗi năm của VietAbank thu được từ doanh nghiệp này. Đáng chú ý, hiện không rõ khoản lãi trái phiếu từ Công ty Năng lượng Điện Biên Sông Hồng đã "trôi" đi đâu, khi mỗi năm VietAbank chỉ thu được số lãi vỏn vẹn 1,6 - 1,8 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán?

Hoạt động góp vốn đầu tư dài hạn của VietAbank cũng tồn tại nhiều điểm lạ. Ngân hàng đã chi 813 tỷ đồng góp vốn, trong đó đầu tư vào công ty con 500 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác là 313 tỷ đồng. Nhưng năm 2018, ngân hàng chỉ thu về 1,4 tỷ đồng lợi nhuận từ đầu tư góp vốn, năm 2019 là 1,2 tỷ đồng. Lưu ý là, dù rất thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi tiết kiệm, nhưng giai đoạn 2016-2017 VietAbank vẫn "cố" thu được 10 -14 tỷ đồng lãi từ góp vốn, mua cổ phần. Vậy thì lãi góp vốn đầu tư của VietAbank đã "mất" ở đâu?

Đó là vấn đề KH&ĐS sẽ tìm cách lý giải trong kỳ báo tới, dù như trên đã dẫn, báo cáo tài chính của VietAbank rất thường xuyên thiếu đi phần thuyết minh cụ thể cho từng khoản mục.

Theo Đời sống
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
back to top