Việt Nam đưa sáng tạo mổ tái tạo màng tim tự thân ra thế giới

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện E (BVE) là đơn vị duy nhất của Việt Nam thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ (PTTTVĐMC) bằng phương pháp Ozaki – tái tạo màng tim tự thân.

Bệnh viện E (BVE) là đơn vị duy nhất của Việt Nam thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ (PTTTVĐMC) bằng phương pháp Ozaki – tái tạo màng tim tự thân. Đặc biệt, Việt Nam đã có bước cải tiến vượt bậc: thực hiện điều trị cùng lúc cho người bệnh có bệnh lý 2 van tim bằng phẫu thuật nội soi ít xâm lấn tránh cho người bệnh phải cưa xương ức. Sáng tạo này đã được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến quốc tế.

Từ cầm tay chỉ việc đến sáng tạo bất ngờ

Ngày 10/11, Trung tâm Tim mạch, BVE là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia buổi Hội thảo trực tuyến quốc tế PTTTVĐMC bằng phương pháp Ozaki cùng với 3 điểm cầu tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia.Trả lời phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BVE khẳng định, BVE được lựa chọn bởi bệnh viện không chỉ triển khai thành công kỹ thuật được chuyển giao mà còn có những sáng tạo nổi bật mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh với giá thành hạ, các bệnh viện trong nước cũng sang để học hỏi kinh nghiệm về phương pháp mới này.

GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, trước đây bệnh van động mạch chủ được điều trị bằng phẫu thuật thay van nhân tạo. Ngày nay, PTTTVĐMC Ozaki sử dụng màng tim tự thân được sử dụng rộng rãi. Phẫu thuật Ozaki bắt đầu từ Nhật Bản từ năm 2007. Việc điều trị đã được thực hiện trên toàn thế giới với hơn 2000 trường hợp đã chứng minh được tính ưu việt của phương pháp này. Năm 2013, GS Shigeyuki Ozaki đã giới thiệu kỹ thuật này tới Việt Nam thông qua ca phẫu thuật đầu tiên tại Trung tâm Tim mạch, BVE. Đến nay, người bệnh có cuộc sống trở về bình thường, van tim hoạt động rất tốt, không phải dùng thuốc chống đông máu…

Đặc biệt, sau 4 năm được GS Ozaki và kíp phẫu thuật Nhật Bản đến giảng dạy, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho theo phương thức cầm tay chỉ việc,từ tháng 7/2017 nhóm phẫu thuật của BVEkhông chỉ độc lập thực hiện được kỹ thuật mà còn có những sáng tạo độc đáo. Chẳng hạn, với những bệnh nhân bị tổn 1 hoặc 2 cánh van thay vì phải mổ để thay van, hiện nay tại BVE, các bác sĩ có thể mổ tái tạo van bằng màng tim tự thân cho lá van bị hỏng, giữ nguyên cấu trúc của vòng van. 

Hoặc có tới 1/3 bệnh nhân mắc bệnh van tim thường có tổn thương nhiều van tim và phải mang nhiều van nhân tạo thì bằng kỹ thuật  PTTTVĐMC này cũng tránh cho người bệnh phải mang nhiều van tim nhân tạo trong người. Hơn nữa, thay vì khi mổ phải thực hiện mổ mở cưa xương ức dài 20 – 30 cm gây nhiều biến chứng, BVE đã áp dụng kỹ thuật mổ nội soi ít xâm lấn để tránh cưa xương ức cho người bệnh. Đến nay, sau 15 tháng làm chủ kỹ thuật này, các bác sĩ BVE đã phẫu thuật cho 107 bệnh nhân với kết qủa thành công hết sức ấn tượng.

Ca phẫu thuật tái tạo màng tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện E

Ca phẫu thuật tái tạo màng tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện E

Tránh mổ lại mà không phải dùng thuốc giúp người trẻ sinh con

GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, hở - hẹp van ĐMC là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 về bệnh hở van. Biểu hiện là tình trạng van không đóng kín, dẫn đến máu bị dồn ngược trở lại từ động mạch chủ về tim, làm tăng gánh nặng cho tâm thất trái và lâu dài sẽ dẫn đến suy tim, trường hợp nặng người bệnh dễ bị đột tử.

Hiện nay,trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim bằng van nhân tạo. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh phải phẫu thuật thay van mới. Với phương pháp Ozaki, các bác sĩ tái tạo VĐMC bằng màng tim nhân tạo của chính bệnh nhân nên khắc phục được hoàn toàn những bất lợi trên, bệnh nhân khỏi bệnh và có thể không phải mổ lại.

Vì vậy, theo GS.TS Lê Ngọc Thành, đây là kỹ thuật của tương lai rất phù hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến. Bởi vì, tính ưu việt của phương pháp này là sử dụng vật liệu tự thân làm van tim, giúp cho người bệnh không phải dùng van nhân tạo, giảm nguy cơ nhiễm trùng van sau mổ.

Mặt khác, với ưu điểm có diện tích hiệu dụng lớn, chênh lệch áp lực qua van tự tạo rất thấp do không làm thu hẹp vòng van nên rất hữu ích với những bệnh nhân có vòng van bé, trẻ nhỏ cơ thể còn tiếp tục phát triển… Đặc biệt, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông, phụ nữ sau mổ có thể sinh con. Hơn nữa, việc dùng chính màng tim tự thân sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng, chống thải ghép và người bệnh cũng không mất 40 triệu đồng để mua van tim nhân tạo.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, GS Lê Ngọc Thành mong muốn, sẽ chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này cho các bác sĩ chuyên ngành tim mạch ở các bệnh viện: Chợ Rẫy (TP.HCM), Y dược TP.HCM, Nhi T.Ư, Tim Hà Nội, ĐK Việt Tiệp (Hải Phòng), ĐK Thanh Hóa, ĐK Thái Bình, ĐK Hải Dương… giúp người bệnh được hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có van động mạch chủ.

Theo Đời sống
back to top