Viêm não lại nhầm với sốt virus
Bé Lê Ngọc H. (15 tháng tuổi ở Chương Mỹ - Hà Nội) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, co giật, hôn mê sâu. Sau khi làm xét nghiệm máu và dịch não tủy, bác sĩ kết luận bé bị viêm não Nhật Bản có hiện tượng xuất huyết, nhồi máu não.
Mẹ bé cho biết, hai hôm đầu bé lên cơn sốt, gia đình cho uống thuốc hạ sốt, chỉ khoảng 15 phút sau là bé hạ sốt và vẫn chơi, chạy nhảy bình thường. Sang ngày thứ ba, thấy bé sốt cao, lên cơn co giật gia đình đưa bé đến bệnh viện tư gần nhà và được chẩn đoán là sốt virus. Sau bốn ngày nằm trong bệnh viện tư, gia đình thấy bé vẫn sốt liên miên không giảm nên đã chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Kết quả phát hiện bé bị viêm não Nhật Bản trong tình trạng khá nặng.
Trẻ bị viêm não đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
BS Nguyễn Thị Hồng Nhân – Phụ trách khoa Nhi tiêu hóa - Dinh dưỡng – Lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị sốt do viêm não Nhật Bản nhưng gia đình chỉ nghĩ sốt do virus thông thường hoặc cho đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh, đến khi vào viện thì đã muộn, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận hơn 20 ca bệnh viêm não.
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những bệnh sốt virus thông thường khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ rệt hơn như: sốt cao liên tục, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp, mệt mỏi, ăn uống kém. Bệnh viêm não Nhật Bản tiến triển rất nhanh, có thể sau 3 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê phải thở máy và chỉ 1 – 2 ngày sau đó là trẻ tử vong.
Vì vậy, BS Nguyễn Thị Hồng Nhân khuyến cáo, thấy trẻ sốt cao liên tục, vẻ mệt mỏi không chịu chơi thì nên đưa đến bệnh viện khám sớm ngay từ ngày đầu tiên. Sau 5 ngày, trẻ có những biểu hiện như nôn, co giật, thay đổi tri giác,… lúc đó đã là quá muộn. Phát hiện và điều trị muộn không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ mà dù cứu được thì cũng để lại những di chứng thần kinh đặc biệt nặng nề: chậm phát triển tinh thần vận động, teo não, động kinh, bại não…
Tránh bệnh bằng tiêm văcxin và không để muỗi đốt
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Nhân, viêm não Nhật Bản là bệnh tổn thương nhiễm khuẩn thần kinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng trong nhóm viêm não, nguyên nhân chủ yếu là do virus. Muỗi là nhân vật trung gian truyền loại virus này do chúng hút máu từ các loại chim hoang dã hoặc lợn rừng bị nhiễm bệnh. Từ đó muỗi tiếp tục lan truyền loại virus nguy hiểm này sang người và động vật.
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản hiện nay. Tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó các bậc phụ huynh nên lưu ý đưa trẻ đi tiêm đầy đủ. Ngoài ra, gia đình cần lưu ý, vệ sinh môi trường bằng cách thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà. Cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn. Đặc biệt chú ý tăng sức đề kháng cho trẻ phòng tránh những nhiễm khuẩn thông thường.