Từ nay đến tháng 7 cảnh giác với dịch viêm não Nhật Bản
Virus gây viêm não Nhật Bản truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, thường là muỗi vằn. Các loài chim hoang dã là ổ chứa virus chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người. Muỗi Culex là đường lây truyền bệnh. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè, hoạt động mạnh lúc chiều tối.
PGS.TS.BS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt Đới T.Ư cho biết, tại Việt Nam, số ca bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện rải rác quanh năm và dịch bệnh thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 4, 5, 6, 7 và tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Trước đây, nước ta ghi nhận khoảng 2.000- 3.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm . Nhờ văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay số ca được báo cáo mỗi năm đã giảm đáng kể, còn khoảng 200– 400 ca. Bệnh Viêm não Nhật Bản đe dọa mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ đến 87,5%. Bệnh làm tổn hại chi phí cao trong điều trị, đồng thời để lại nhiều di chứng sức khỏe nặng nề cho người (viêm não Nhật Bản gây nhiều biến chứng nguy hiểm khi có khoảng 30% các ca bệnh dẫn đến tử vong và ít nhất 50% số bệnh nhân được cứu sống có các di chứng nặng nề).
Phòng hơn chữa
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư cho biết, thuận lợi hiện nay là có thể phòng ngừa được bệnh bằng các biện pháp như phòng chống trung gian truyền bệnh, tạo miễn dịch cho người thông qua văcxin. Tại hội thảo Dự phòng Viêm não Nhật Bản: Cập nhật khuyến cáo và dữ liệu lâm sàng của văcxin thế hệ mới được Hội Y học dự phòng Việt Nam và đại diện Sanofi Pasteur tại TP.HCM tổ chức đã cho thấy, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số các quốc gia lưu hành dịch của viêm não Nhật Bản, do đó cần đưa văcxin phòng ngừa viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng quốc gia và duy trì tỷ lệ chủng ngừa cao. Nếu có thể, nên thay thế văcxin nuôi cấy trên não chuột bằng các thế hệ mới hơn. Các văcxin thế hệ mới được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo gồm có: văcxin bất hoạt nuôi cấy trên tế bào Vero; văcxin sống, giảm độc lực; văcxin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp.
Theo các chuyên gia, dữ liệu lâm sàng của văcxin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp với tính hiệu quả và an toàn đã được nghiên cứu và chứng minh trên nhiều đối tượng người lớn và trẻ em tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
TS.BS. Vũ Đình Thiểm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, văcxin viêm não Nhật Bản sống, giảm độc lực, tái tổ hợp (JE-CV) tạo ra miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào hiệu quả nhất và kéo dài. Không ghi nhận biến cố bất lợi nghiêm trọng liên quan đến tiêm văcxin. Ưu điểm là hiệu quả tiêm nhắc văcxin sống tái tổ hợp không phụ thuộc vào vắcxin tiêm cơ bản ban đầu, có thể sử dụng JE-CV cùng thời điểm với các vắcxin khác.
Các nghiên cứu dịch tễ học những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy vẫn còn một tỉ lệ ca mắc viêm não Nhật Bản và chủ yếu do chưa được tiêm chủng, tiêm không đủ liều, hoặc không tiêm nhắc. Sự có mặt của những văcxin thế hệ mới đem đến thêm một lựa chọn trong kênh văcxin dịch vụ và được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản và hỗ trợ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam.
Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, triệu chứng như sốt cao 39-400C, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Về tâm thần kinh, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là dấu hiệu ở não, màng não và rối loạn thần kinh thực vật.