Trời hè nóng nực, trên người bé Đỗ Thị P. (5 tuổi, Hưng Yên) xuất hiện nhiều mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiểu mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu.
Nghĩ con bị rôm sảy do trời nóng nên gia đình đã tự mua lá đun nước tắm cho bé và dùng thuốc mỡ bôi lên vùng da tổn thương. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần bé vẫn không đỡ, mặt phù, bàn chân sưng tấy, có mụn mủ, bóng mủ và kèm theo sốt. Lúc ấy gia đình mới vội vàng đưa con đi khám thì được chẩn đoán chốc có bội nhiễm, đã biến chứng thành viêm cầu thận cấp.
Lời bàn: ThS Phạm Thị Mai Hương, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, chốc là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em. Đó là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra dễ lây lan và phụ huynh hay nhầm lẫn giữa chốc và bệnh thủy đậu, rôm sẩy nên dùng lá tắm cho bé, khiến bệnh không khỏi mà dẫn đến các biến chứng: Càm hóa, chốc loét và mhiễm trùng huyết, viêm cầu thận, viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương…
Vì vậy, nếu thấy da trẻ bị bệnh, cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc nước chè xanh rồi bôi thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc xanh methylen… Dùng một vài ngày bệnh không thấy cải thiện hoặc nặng lên cần đến bác sĩ để tránh các biến chứng đáng tiếc.