Lo ngại Covid-19 tràn vào Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị kiểm soát các chuyến bay, chuyến tàu đến Hà Nội.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký nêu rõ, qua 60 ngày thực hiện giãn các xã hội, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngày 20/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 22 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp; dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao.
Để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng tàu hỏa đến Hà Nội, trừ trường hợp phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Mới đây, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Dự thảo này đang được lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh giai đoạn đầu sẽ ưu tiên hàng không và đường sắt vận chuyển hành khách đường dài đủ điều kiện về y tế. Lý do là khách đi lại bằng máy bay, tàu hỏa có hành trình và điểm đi, điểm đến rõ ràng nên kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Cùng đó, Bộ GTVT tổ chức kết nối đường bộ cự ly ngắn với các nhà ga sân bay, bến tàu để vận chuyển hành khách theo quy định.
Về nguyên tắc y tế đi lại liên tỉnh đối với hành khách, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc hành khách đi lại phải đáp ứng điều kiện về tiêm vắc xin ra sao, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 như thế nào cần hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tiêu chí và quy định cụ thể được Bộ Y tế hướng dẫn là cơ sở để thống nhất kế hoạch tổ chức giao thông và ban hành thực hiện. Nếu Bộ Y tế cho ý kiến sớm, Bộ GTVT dự kiến ban hành kế hoạch trong 1-2 ngày tới.
Hàng không có 4 phương án, đường sắt dự kiến khai thác từ 1/10
Tại dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án khai thác trở lại các chuyến bay nội địa ở các địa phương.
Phương án 1: Chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 (thời điểm chưa bùng phát dịch - PV) của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 3 được thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2, với tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, 2 và 3, các đường bay mới, đường bay có tần suất một chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất một chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Phương án 2: Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó.
Giai đoạn 3 được thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2 tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới), các hãng được khai thác trở lại bình thường. Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1 và 2 thì các đường bay mới, đường bay có tần suất một chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất một chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.
Đối với ngành đường sắt, ngày 27/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng công bố phương án dự kiến khai thác trở lại tàu chở khách đi, đến từ Hà Nội, từng bước khôi phục lại hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường sắt phù hợp với tình hình mới. Đường sắt xây dựng 2 phương án dự kiến tổ chức chạy tàu khách từ 1/10 tới đối với tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn trên các tuyến.
Việc khai thác tàu Thống Nhất chạy tuyến Hà Nội - TPHCM dự kiến: Phương án 1 - trong tháng 10 tổ chức chạy lại 3 đôi tàu. Từ 1/10/2021 tổ chức chạy tàu khách SE7/SE8. Từ 7/10, tổ chức chạy tàu SE3/4. Từ 14/10, tổ chức chạy tàu SE5/6.
Phương án 2 - dự kiến từ ngày 1/10 tổ chức chạy tàu khách SE7/8. Từ ngày 14/10 tổ chức chạy tàu SE3/4. Từ ngày 21/10, tổ chức chạy tàu SE5/6.
Như vậy, với việc Hà Nội "từ chối" tiếp nhận các chuyến bay, đoàn tàu chở khách đến địa bàn, kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải ở khu vực Thủ đô sẽ gặp những khó khăn và cần thêm thời gian nghiên cứu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Châu Như Quỳnh