Vị giáo sư già đau đáu chuyện bảo tồn côn trùng

(khoahocdoisong.vn) - Gần 80 tuổi, nhưng GS.TS Bùi Công Hiển, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn đau đáu nỗi niềm trăn trở về sự dần biến mất của nhiều loài côn trùng. Việc khai thác không gắn với bảo tồn đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái.

Bao nhiêu loài côn trùng trong Sách đỏ còn tồn tại?

GS.TS Bùi Công Hiển nguyên là giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cả cuộc đời mình, ông gắn với lĩnh vực nghiên cứu côn trùng. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về các đặc tính sinh học, hóa lý của côn trùng… Gần 80 tuổi, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, viết sách, hướng dẫn nghiên cứu sinh, phản biện đề tài… về lĩnh vực côn trùng. Dù đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, song đến nay, GS.TS Bùi Công Hiển vẫn mang nặng tâm tư về phát triển và bảo tồn côn trùng ở Việt Nam cũng như những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.

Sắp bước sang tuổi 80, GS,TS Bùi Công Hiển vẫn không ngừng miệt mài nghiên cứu về côn trùng.

Sắp bước sang tuổi 80, GS,TS Bùi Công Hiển vẫn không ngừng miệt mài nghiên cứu về côn trùng.

Khi còn công tác tại Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, GS.TS Bùi Công Hiển là chuyên gia hàng đầu về côn trùng tại Việt Nam. Thời điểm này, ở Việt Nam gần như chưa có đề tài khoa học bài bản nào về côn trùng. Ông bắt tay nghiên cứu từ con số 0. Thời bao cấp, ông là người đầu tiên nghiên cứu về côn trùng hại kho. Lặn lội điều tra, tìm hiểu, từ đó đề xuất các giải pháp phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại của các kho lương thực. Rồi nghiên cứu các loại côn trùng gây hại ngô lúa, hoa màu và tìm cách bảo quản nông sản cho người dân. Nghiên cứu về mối, về bướm, sâu chít, sâu tre... để thấy tài nguyên thực vật phong phú nhưng nếu không biết cách bảo tồn thì một ngày không xa, tài nguyên sẽ cạn kiệt.

GS.TS Bùi Công Hiển.

GS.TS Bùi Công Hiển.

“Ở Việt Nam hiện nay tài nguyên côn trùng đang được hiểu và khai thác một cách tự phát, không có quy hoạch, quản lý rõ ràng. Người dân dự to khai thác kiến, ong rừng, sâu chít, sâu tre… Việc nhân nuôi, khai thác chỉ có một vài hộ dân và giới hạn ở dế, cà cuống. Đặc điểm của tài nguyên sinh vật nói chung và tài nguyên côn trùng nói riêng khác với tài nguyên khoáng vật ở chỗ là cơ thể sống, nên có thể làm giàu, có thể di chuyển và có thể cạn kiệt tức khắc do con người”, GS.TS Bùi Công Hiển cho hay.

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, vì chưa được coi là tài nguyên (trừ ong mật và tằm tơ), nên côn trùng chưa có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Do vậy, sự suy giảm thế nào không ai quan tâm. Ngay những loài côn trùng đã được ghi vào Sách đỏ, thì hiện tại còn bao nhiêu loài, phân bố ở đâu, bao nhiêu loài đã biến mất, chắc không cơ quan quản lý nào trả lời được. “Tôi đã viết một bài báo về việc này với nội dung nên có 1 đề tài kiểm kê lại những loài có trong Sách đỏ và quý hiếm, nhưng hình như đó là một ý tưởng xa vời”.

Cho đến nay có rất ít thông tin về tình hình bảo tồn và khai thác nhóm động vật nhỏ bé này. Ngay cả những Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên cũng chỉ quan tâm đến nhóm thú và chim. Các báo cáo điều tra côn trùng cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo đã phát hiện được những loài có tên trong công ước CITES hay trong Sách đỏ của Việt Nam. Sau đó đưa ra khuyến cáo như tuyên truyền, giáo dục; cấm săn bắt, khai thác, mua bán… Có thể thấy việc bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng nói chung và bảo tồn những loài côn trùng có trong Sách đỏ và quý hiếm ở nước ta chưa được quan tâm.

“Muốn bảo tồn và khai thác côn trùng trong Sách đỏ, phải chia ra các nhóm để làm riêng. Nhóm thứ nhất như bọ lá, bọ ngựa… cần phải có nghiên cứu điều tra cơ bản và xây dựng khóa định loại cho các loài đang có ở Việt Nam. Điều mà đến nay chưa ai thực hiện. Nhóm thứ hai, như các loài bướm và cánh cứng. Để bảo tồn cần phải biết chúng ăn gì, sống thế nào hay những đặc điểm sinh học, sinh thái học cơ bản của chúng. Trên cơ sở đó xem xét lại vùng chúng đang sinh sống có bị tàn phá không... Nếu môi trường sống của chúng bị suy giảm, cần có biện pháp gì để phục hồi. Chẳng hạn, trồng lại một loài cây là ký chủ của sâu bướm để chúng tồn tại. Nhóm thứ ba, như cánh kiến đỏ, cà cuống... đang được nhân nuôi và khai thác, sẽ xác định có cần phải bảo tồn hay khai thác bền vững ra sao?”, GS.TS Bùi Công Hiển chia sẻ.

Liệu còn ai nghiên cứu côn trùng?

Lịch sử phát triển khoa học được tóm tắt vào 3 từ: Mô tả - Cơ chế - Ứng dụng. Ở nước ta, cho đến nay với côn trùng chưa thoát khỏi khoa học mô tả và mới manh nha một vài nghiên cứu tiệm cận với “khoa học cơ chế”. Hầu như trong 30 năm qua, đều chỉ là những nghiên cứu về thành phần loài (các loài trong tự nhiên hay gây hại). Gần đây có 1 đề tài cấp Nhà nước về những loài đặc hữu hay những loài là chỉ thị sinh học… và cuối cùng đề xuất biện pháp bảo tồn (chỉ ở mức lý thuyết).

GS.TS Bùi Công Hiển (phải) với những bức tranh làm từ côn trùng.

GS.TS Bùi Công Hiển (phải) với những bức tranh làm từ côn trùng.

“Tôi đã bước ra khỏi vòng “nghiên cứu khoa học”, nên nói ra những bất cập thì dễ, nhưng làm thì khó. Mới đây tôi có nghe, trường Đại học Thái Nguyên được giao nghiên cứu về “Mối hại cây chè”. Không rõ ai làm chủ trì đề tài, trong khi những tiến sĩ trong nước theo tôi biết được đào tạo về mối thực thụ lại không được tham gia. Tôi tự hỏi hội đồng xét duyệt đề tài có ai là đại diện am hiểu về mối? Ngay cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi nghiên cứu về sinh vật gây hại di tích, người ta cũng ưu tiên và khép kín cho Viện Nghiên cứu và Bảo tồn di tích làm. Dù trong Viện, có khi không có ai học về sinh vật. Tuy có hình thức công khai và đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, nhưng… Tôi nêu ví dụ đó để thấy tình trạng phân tán trong nghiên cứu khoa học là phản ánh cấp độ lạc hậu. Không rõ trong 10 năm tới sẽ phát triển thế nào, khi ở các trường đại học, các viện nghiên cứu số người chuyên sâu về côn trùng ngày càng ít đi”, GS.TS Bùi Công Hiển trăn trở.

GS.TS Bùi Công Hiển cho biết thêm, ở Bộ môn Côn trùng học của Đại học Khoa học Tự nhiên thời ông còn làm, có 7 tiến sĩ về côn trùng học. Hiện nay, bộ môn này chỉ có 2 tiến sĩ, nhưng lại theo chuyên ngành côn trùng dưới nước. Phần côn trùng trên cạn bị "bỏ quên". Không có đội ngũ nhà khoa học kế cận để nghiên cứu, trong khi không được quản lý bài bản, để người dân tự phát tác động vào thiên nhiên… thì sợ rằng trong tương lai không xa, côn trùng có lợi sẽ dần biến mất. Mất cân bằng sinh thái thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường.

Điều trăn trở khác của GS.TS Bùi Công Hiển là hiện ông vẫn đang sở hữu nhiều quy trình công nghệ có thể chuyển giao vào sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập tốt cho người lao động. Nhưng đáng tiếc là đến nay vẫn chưa thể kết nối được với người cần. Đó là những quy trình công nghệ như bảo tồn và khai thác hợp lý sâu tre, sâu chít vùng Tây Bắc hay quy trình công nghệ làm tranh Đông Hồ bằng nguyên liệu cánh bướm. Theo đó sẽ xây dựng các vườn nuôi bướm để có nguyên liệu chế tác tranh. Hoặc liên kết với người dân hay các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên xây dựng các khu vườn nuôi bướm để họ cung cấp nguyên liệu cho việc chế tác tranh. Phương thức này có ưu điểm là tạo thêm nguồn thu nhập của địa phương và phát triển được đa dạng sinh học bản địa, phù hợp với sinh cảnh vốn có, ít đầu tư ban đầu.

GS.TS Bùi Công Hiển sinh năm 1942. Ông có 16 công trình nghiên cứu về côn trùng đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế, 22 công trình công bố trong các tuyển tập hội nghị khoa học quốc tế, xuất bản trên 10 đầu sách về côn trùng. Các đề tài/dự án đã chủ trì gồm: Côn trùng gây hại kho thóc; Ðiều tra cơ bản côn trùng kho lương thực; Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp một số côn trùng gây hại chính trong kho; Côn trùng gây hại Tây Nguyên; Bảo quản đậu xanh bằng chiếu xạ; Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản ngô; Nghiên cứu phòng trừ mối kho vũ khí đạn; Nghiên cứu quy luật phát sinh gây hại của sâu gai hại ngô và biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với chúng ở Cao Bằng; Nghiên cứu bảo quản nông sản cho hộ nông dân miền núi; Nghiên cứu cơ bản để phòng trừ mối hại đê đập ở Việt nam; Nghiên cứu đặc tính thu nhận và chế biến thức ăn của mối có vườn nấm để định hướng phòng trừ chúng; Nghiên cứu đa dạng sinh học của Mối (Isoptera) và vai trò của chúng trong Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên…

Theo Đời sống
back to top