Về B’lao lang thang qua những đồi chè

Nếu muốn tìm vùng đất cao nguyên để “chữa lành ngắn ngày” nhưng đã quá “nhẵn mặt” với Đà lạt và không muốn đi xa, du khách có thể thử chọn vùng đất B’lao (Lâm Đồng) để lang thang qua các đồi trà, đắm chìm trong màu xanh bát ngát.

B’lao là tên gọi cũ của thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Trong ký ức của nhiều người, B’Lao vẫn hiện hữu trong tâm trí họ như địa danh huyền thoại.

B’lao bình dị và lãng mạn

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán, rộng 281.186 ha.

Cái tên B’lao cũng có rất nhiều nguồn lý giải. Có người cho rằng B’lao là đám mây thấp, vùng gió thổi, vùng đất giữa ba con sông hay bông hoa trên đồng cỏ… Có lẽ B’lao bắt đầu được nhắc đến nhiều khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hóa nơi này thành mảnh đất thơ đi cùng mình trong câu chuyện tình yêu huyền thoại, qua những lá thư tình và những ca khúc sống mãi với thời gian… Để rồi dù trải qua bao lâu đi chăng nữa, B'lao ngày ấy và cả Bảo Lộc bây giờ vẫn là thành phố nhỏ, lặng lẽ, không ồn ào vội vã. Đó là chốn về để người ta quên bao bộn bề cuộc sống.

B’Lao nằm trên cao nguyên Di Linh, khí trời quanh năm mát mẻ. Từ trên đỉnh núi Sa Pung cao đến 1100 m, phóng tầm mắt ra ôm trọn cả màu xanh của rừng núi đại ngàn, của những đồi trà xanh thoai thoải, những thác nước thiên nhiên hùng vĩ và của cả sự bình yên, dung dị của những buôn làng… Tất cả cộng hưởng, khiến bất cứ ai đặt chân đến vùng đất này đều cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên.

Trải nghiệm ở B’lao

“Đồi xanh thơm mát những lá trà”: Không phải ngẫu nhiên, Bảo Lộc còn có biệt danh “Thành phố trà” hay “thủ phủ trà” ở phía Nam. Nằm trải dài trong những thung lũng ở Bảo Lộc là màu xanh miên man đẹp thuần khiết của những đồi trà.

Du khách đến với Bảo Lộc, không thể nào bỏ qua cảm giác lang thang trên đồi trà, hít hà bầu không khí trong lành dịu ngọt, tay chạm vào từng lá trà xanh còn đọng sương long lanh. Đồi trà nổi tiếng nhất ở Bảo Lộc là Tâm Châu, chủ yếu trồng trà Ô long.

“Mặt hồ như gương soi lại lòng mình”: Trung tâm Bảo Lộc có hai hồ nước. Trong những ngày lặng gió, nước hồ tựa như tấm gương, hòa làm một với trời cao thăm thẳm biêng biếc, thỉnh thoảng có vài áng mây trắng bồng bềnh trôi ngang. Người ta đùa bảo nhau rằng, đâu cần nhìn trời mới biết trời xanh, nhìn xuống mặt hồ B’lao cũng tựa như rồi. Một ngày đến với B’lao, ngồi bên góc hồ, nhấm nháp tách cà phê, nghe gió se se lạnh phả vào mặt, chắc chắn mọi bộn bề đều tan biến cả.

“Thương nhớ dã quỳ”: Dã quỳ là loài hoa dại phổ biến ở Tây Nguyên, vàng rực và quyến rũ. Nếu đến B’lao vào mùa thu, bạn nhất định không thể bỏ qua hoa dã quỳ, màu hoa “gây thương nhớ” cho bao kẻ si tình.

Trên các cung đường ngoại ô thành phố Bảo Lộc, hoa dã quỳ nằm rải rác hai bên đường, có đoạn đi cả trăm mét vẫn “lạc trong mê cung” của dã quỳ. Cũng có nơi dã quỳ cao hơn cả đầu người, du khách sẽ như đang ngụp lặn trong “vương quốc” loài hoa này…, tha hồ check-in những bức ảnh siêu ảo diệu.

“Mây mờ nơi tiên cảnh”: Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi đến Bảo Lộc chính là “săn mây”, trong đó địa điểm lý tưởng nhất đang được du khách yêu thích khi về Bảo Lộc chính là Linh Quy Pháp Ẩn - chốn bồng lai tiên cảnh giữa lòng đại ngàn xanh ngát.

Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 21 km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ẩn bình an với thiên nhiên, nơi mà đôi mắt bạn sẽ được thỏa thuê ôm trọn cả đất trời rộng lớn, mây trắng bao la trôi lững lờ, lòng thôi không vướng bận. Từng tiếng chuông chùa vang lên trầm mặc, như đưa tâm hồn ta chạm đến bồng lai.

“Dòng thác đợi chờ”: Một điểm đến nổi tiếng nữa ở Bảo Lộc là thác Dambri. Dambri còn có tên gọi "Đợi chờ" theo truyền thuyết người K'Ho, gợi lại câu chuyện tình buồn của chàng K'Đam và nàng D'B'Ri.

Thác cao hơn 60 m, rộng 30 m với những khối nước khổng lồ từ trên cao dội xuống tung bọt trắng xóa tạo nên cảnh tượng huyền bí. Check-in bên dòng thác cũng là trải nghiệm mà hầu như không du khách nào bỏ qua.

Kinh nghiệm trải nghiệm Bảo Lộc - B’lao

Du khách có thể đến Bảo Lộc từ TP HCM hoặc Đà Lạt bằng xe khách. Nếu từ Hà Nội, bạn đi bằng máy bay đến sân bay Liên Khương, Đà Lạt, rồi đặt trước xe khách đón ở sân bay hay đi xe buýt, 10 phút có một chuyến.

Trong thành phố Bảo Lộc, du khách chọn taxi hoặc để cơ động thì nên thuê xe máy tại khách sạn, nhà nghỉ, giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày, tùy loại xe.

Bảo Lộc có đa dạng các khu lưu trú, với những loại hình homestay, khách sạn 2-4 sao nằm trong trung tâm thành phố và một số ở khu vực ngoại ô. Giá phòng mỗi đêm từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy chất lượng của cơ sở.

Nhờ vào đặc điểm địa hình, thành phố Bảo Lộc có thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trên dưới 22 độ. Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là thời điểm vàng để tham quan và khám phá Bảo Lộc. Lúc này, tiết trời trong lành, rất ít mưa.

Ngoài ra, nếu muốn thưởng ngoạn, các mùa hoa đẹp, du khách đến phố núi B'Lao vào mốc thời gian sau: Tháng 2: Mùa hoa phượng vàng; Tháng 3 đến tháng 6: Mùa kèn hồng Bảo Lộc; Tháng 10 đến tháng 11: Mùa hoa dã quỳ. Đối với những đồi trà, du khách có thể trải nghiệm quanh năm.

Theo Đời sống
back to top