Hỏi: Giới trẻ rất thích uống nước trà xanh pha sữa, như vậy không biết có ảnh hưởng gì?
Nguyễn Thị Hường (Đà Nẵng)
Theo Đông y, trà vị đắng, chát, hơi ngọt, vào hai đường kinh can và thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, làm cho não được thư thái, da thịt mát mẻ, khỏi chóng mặt, xây xẩm, bớt mụn nhọt, cầm tả lỵ...
Y học hiện đại cũng cho thấy, trà có tác dụng: Giải nhiệt, giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, tăng hưng phấn và cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm loét đường tiêu hoá, chống dị ứng, kháng khuẩn tiêu viêm, chống ngưng kết tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, chống oxy hoá và tiêu trừ các gốc tự do, chống phóng xạ, chống mệt mỏi và làm chậm quá trình lão hóa, làm giảm đường huyết, dự phòng thiếu máu và ngăn ngừa giảm bạch cầu do chiếu xạ, dự phòng các bệnh lý mạch máu não và đặc biệt còn có tác dụng chống ung thư.
Tuy nhiên, nước trà có thể làm mất hoặc giảm tác dụng của các hoạt chất của thuốc, cho nên tất cả các loại thuốc cần uống cách xa khi uống nước trà ít nhất là 2 giờ. Nước trà pha thêm với sữa là đồ uống khá hấp dẫn nhưng đây là sự kết hợp bất lợi vì sữa sẽ làm giảm tác dụng của trà trong việc ngăn ngừa bệnh lý tim mạch và ngược lại trà làm cho sữa trở nên khó tiêu và giảm giá trị dinh dưỡng. Cần lưu ý, không uống trà khi đói, khi đã pha lâu hay pha nhiều lần. Tránh uống trà trước và sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Với những người mắc các bệnh loét dạ dày, cao huyết áp, táo bón... trà không phải một sự lựa chọn phù hợp.
ThS Hoàng Khánh Toàn
Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)