Hồi sức tích cực hôn mê gan cũng không cải thiện
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 45 tuổi đến từ Bắc Giang trong tình trạng suy gan nặng. Qua khai thác được biết: Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B được phát hiện cách đây 10 năm. Ngoài ra bệnh nhân bị U lympho tế bào nhỏ đã điều trị hóa chất 6 đợt.
Một năm trước đây, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan B. Ba tháng gần đây, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Sau khi uống, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần kèm theo nôn, bệnh nhân đi khám được bác sĩ chỉ định nhập viện.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Suy gan cấp và bán cấp; Ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho;Viêm gan virus B mạn; hôn mê gan…
Sau khi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào hôn mê, suy gan phải đặt ống thở máy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, gia đình bệnh nhân đã xin về chăm sóc tại nhà.
Hồi sức cấp cứu bệnh nhân hôn mê gan do uống thuốc nam |
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cho biết: Khoa Hồi sức tích cực đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trang suy gan và hôn mê gan rất nặng do bệnh nhân tự ý bỏ thuốc kháng vi rút để dùng thuốc nam, thuốc bắc. Điều này thực sự nguy hiểm.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo: Đối với bệnh nhân Viêm gan B cần được đi khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa về Truyền nhiễm, Viêm gan. Qua các lần thăm, khám các Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và có phương án theo dõi kịp thời.
Trong trường hợp các bệnh nhân đang dung thuốc kháng vi rút thì không được tự ý bỏ thuốc mà phải có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Đặc biệt các bệnh nhân tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của Bác sĩ trong điều trị viêm gan B.
80% ung thư gan do viêm gan B mạn tính
Các chuyên gia cho biết, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn triệu người tử vong do biến chứng viêm gan virus mạn tính sang xơ gan và ung thư gan, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu. Đặc biệt ở Việt Nam tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn với tỉ lệ người mắc bệnh là 20 triệu người.
Nhiễm Viêm gan B (HBV) làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan 100 lần. Khoảng 80% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới và 70% ở Việt Nam là do HBV gây ra.
Mỗi năm có khoảng 0,5% những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính sẽ phát triển thành ung thư gan (HCC).
Tại Việt Nam, có khoảng 8 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính. Trong năm 2017, số người bị xơ gan là hơn 51.000 người, hơn 14.000 người ung thư tế bào gan và hơn 32.000 người tử vong.
Theo WHO, hơn 1/3 dân số thế giới bị nhiễm virus viêm gan B với khoảng 400 triệu người bị viêm gan B mạn tính.
Tùy theo mức độ nhiễm virus, thời gian tiến triển từ viêm gan B mạn đến ung thư gan có thể từ 10 năm cho đến 20 năm. Các nguy cơ phát triển ung thư gan tăng nếu bệnh nhân bước sang quá trình xơ gan.
Trong đó, virus viêm gan B tấn công liên tiếp trong thời gian dài làm tổn thương tế bào gan. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, tình trạng viêm kéo dài là nguyên nhân hàng đầu sản sinh xơ. Các chất xơ tạo ra ngày càng nhiều gây tổn thương và làm chết tế bào gan, hình thành các mô sẹo và các nốt gan bất thường làm cho gan chai cứng dần. Xơ gan là quá trình không có khả năng phục hồi.
Mặc dù ung thư gan thường xảy ra khi gan bị xơ hóa (Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan). Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng diễn tiến có trình tự. Biến chứng ung thư gan nguyên phát có thể xảy ra ngay cả khi không có xơ gan.
Các con số thống kê là lời cảnh tỉnh cho những ai đang nhiễm virus viêm gan B trong cơ thể, mặc dù không phải cứ mắc viêm gan B nghĩa là bị xơ gan hay ung thư gan. Nhưng đòi hỏi người mắc bệnh cần cập nhật kiến thức, hiểu biết về bệnh một cách đúng đắn để có cách phòng ngừa kịp thời.
Với người mang virus viêm gan B (viêm gan B thể ngủ) cần xét nghiệm máu 6 tháng – 1 năm 1 lần. Còn với người viêm gan B thể hoạt động thì 3-6 tháng, tùy tình trạng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc hỗ trợ cải thiện sớm và kiểm soát tốt khi viêm gan B mạn tính sẽ giúp giảm thiểu tổn thương cho gan, hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành những biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, hỗ trợ cải thiện, một lối sống lành mạnh cũng giúp bảo vệ gan và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng viêm gan B. Cụ thể, chế độ ăn uống hằng ngày cần cân đối đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Không uống rượu bia và hút thuốc là vì đây sẽ là những độc chất khiến tình trạng viêm gan B nặng hơn. Luyện tập đều đặn những bài tập vừa sức cũng có tác dụng tốt để duy trì sức khỏe và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.