Bệnh nặng do điều trị sai
Anh Nguyễn Văn T, 24 tuổi, (Hà Nội), đến khám tại bệnh viện K sau 19 tháng kể từ khi thấy u sùi nhỏ ở đầu dương vật. Khi bắt đầu thấy nốt sùi, anh đã tự đắp thuốc Đông y 7 tháng, không có kết quả lại chuyển sang bôi, rửa và tiêm kháng sinh 10 tháng không khỏi. Khi tới viện, toàn bộ dương vật là một khối loét, sùi, kích thước 7x7x4 cm, chảy dịch hôi thối, hạch bẹn hai bên to, rắn dính. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục ngoài, vét hạch bẹn hai bên và xạ trị bổ trợ. Sau 3 tháng xuất hiện ho ra máu, chụp X-quang thấy đã có di căn phổi.
Sau hai tháng được cắt chít hẹp bao quy đầu ở một phòng khám, ông Trần Ngọc H, 74 tuổi, (Hà Nội) đã phải đến Bệnh viện K vì vết mổ sùi loét, hôi thối, dùng kháng sinh không khỏi.
Tại bệnh viện Đa khoa Hồng Hà, anh Nguyễn Văn Q., 43 tuổi Hà Nội, đến khám vì nghi viêm nhiễm, sùi và chảy máu... Chỉ khi bác sĩ khám thấy hạch to và sinh thiết có tế bào ung thư bệnh nhân mới ngã ngửa.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Kha, Trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Hồng Hà cho biết, đa số các bệnh nhân đến khám đều cho mình bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh hoa liễu chứ không nghĩ đến ung thư. Thực tế, biểu hiện ban đầu của bệnh cũng là những vết sùi loét... (biểu hiện giống bệnh hoa liễu) và người xưa cũng coi đây là bệnh xã hội.
Kết quả nghiên cứu trên 337 bệnh nhân bị ung thư dương vật tại Bệnh viện K cho thấy, đa số đến viện muộn (56,7% số trường hợp vào viện sau 6 tháng kể từ khi xuất hiện thương tổn, 28,8% để bệnh kéo dài trên 1 năm). 92,9% điều trị không đúng như tự chữa bằng bôi, đắp thuốc đông y, tây y, dùng kháng sinh hoặc trải qua các biện pháp như cắt, rạch, chích nạo ở y tế địa phương.
Điều trị sớm, tỷ lệ sống cao
PGS.TS Kha khuyên, nếu bị bệnh hoa liễu, chỉ cần điều trị kháng sinh bệnh sẽ đỡ hoặc khỏi. Còn khi đã điều trị kháng sinh, bệnh không khỏi hoặc tái phát nặng hơn thì phải cảnh giác ngay là ung thư và đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ung thư dương vật là bệnh tiến triển chậm, nếu được điều trị sớm không những bảo tồn được dương vật mà bảo tồn được cả chất lượng của “sự sống”. Khi đã ở giai đoạn muộn, có hạch, ngoài việc khó bảo tồn, quá trình phẫu thuật vét hạch và xạ trị bổ trợ cũng gây nhiều khó khăn và biến chứng cho người bệnh. Đặc biệt, khi bệnh đã di căn lên hạch chậu và lên ổ bụng (gan, phổi)... việc bảo tồn tính mạng sẽ rất khó khăn.
ThS Trần Anh Tuấn, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện K cho biết, trong các loại ung thư, ung thư dương vật là một trong những loại có tỷ lệ sống cao. Nếu bệnh nhân chưa có di căn hạch, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm (coi như khỏi bệnh) có thể đạt tới 100%. Thực tế cho thấy, những bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn, tổn thương thường xâm lấn lan rộng, tỷ lệ di căn hạch cao, thậm chí di căn nhiều hạch... ngay cả phẫu thuật rộng rãi cũng chỉ mang tính chất tạm thời, kể cả hoá trị hay xạ trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu như đều chết sau 24 tháng từ khi nạo vét hạch và 60 tháng kể từ khi cắt bỏ khối u...
Để tránh ung thư dương vật nên giải quyết sớm tật hẹp bao quy đầu bẩm sinh và thực hiện các biện pháp vệ sinh sinh dục. Sống chung thuỷ một vợ, một chồng, không hút thuốc là và đặc biệt khi thấy có sự bất thường ở đầu dương vật cần đi khám và điều trị ngay.