- Thêm một năm "đóng băng"
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARs), lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn, với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng. Quý 4/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch, nhưng lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch khoảng 120 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký VARs, nguyên nhân của tình trạng trên là do đến từ một số nguyên nhân như ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19 khiến hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Bên cạnh đó, về chính sách và động thái từ cơ quan chính quyền các địa phương liên quan đến bất động sản du lịch nói chung và loại hình căn hộ du lịch nói riêng, theo nhận định của VARs trong năm 2020 vẫn chưa có động thái gì đáng kể.
Các vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng. Những hạn chế trên đã khiến bất động sản (BĐS) du lịch nói chung, condotel nói riêng, vẫn chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch.
Bên cạnh condotel, theo VARs, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse năm 2020 có lượng cung đạt gần 15.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ của các loại hình sản phẩm này xấp xỉ chỉ ở mức 8%. Thời điểm cuối năm 2020 dù thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse bắt đầu có sự sôi động trở lại khi một số chủ đầu tư lớn bắt đầu truyền thông mạnh mẽ và tung sản phẩm ra thị trường.
Xuất phát từ những tín hiệu hồi phục của thị trường vào cuối năm khi Việt Nam tiếp tục khống chế tốt dịch bệnh cũng như nhiều chính sách "cởi trói" được thông qua năm 2020 sẽ có hiệu lực trong năm 2021 VARs đã đưa ra một số dự báo tích cực cho loại hình bất động sản du lịch trong năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2021 ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại một phần nhờ hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Chính phủ khóa mới sẽ quan tâm hơn đến chính sách pháp lý cho BĐS du lịch, sẽ tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Nhiều dự án BĐS du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng được hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2021. Điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường BĐS du lịch.
Thị trường condotel đang kỳ vọng sẽ tốt lên trong năm 2021 nhưng không có gì là chắc chắn. |
Khó mong đợi hồi phục
Theo chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, BĐS nghỉ dưỡng, trong đó có condotel, đang có cả tiềm năng và lo lắng. “Tiềm năng là bởi du lịch Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp. Du lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn với du khách nước ngoài và gần 100 triệu khách nội địa cũng đang ngày càng có nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng. Trước đây, du lịch Việt Nam không có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng, hiện đại. Nhưng sau khi BĐS nghỉ dưỡng phát triển, sự vào cuộc của những doanh nghiệp lớn đã tạo nên những cơ sở lưu trú hiện đại, đẳng cấp tại nhiều địa điểm du lịch” - ông Hiển phân tích.
Song, BĐS nghỉ dưỡng trên thế giới được các doanh nghiệp làm ăn bài bản, nguồn tiền huy động được đầu tư vào các dự án minh bạch. Còn tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư phát triển các dự án rồi thuê các đơn vị quản lý nổi tiếng của thế giới vào quản lý. Dự án được bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, quyền lực thật sự chỉ nằm trong tay của các chủ đầu tư. Do đó, ông Hiển cho rằng, để nhà đầu tư thứ cấp không bị bơ vơ khi chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì nhà nước cần có những quy định bảo vệ nhà đầu tư thứ cấp, mà cao nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong giai đoạn từ 2019 - 2020, loại hình BĐS nghỉ dưỡng đã có thanh khoản rất thấp kể từ khi căn hộ condotel tại đại dự án Cocobay “đứt gánh”. Sau đó, một số dự án condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các nhà đầu tư dự án không trả được lợi nhuận như đã cam kết...
Ông Võ cho rằng, sự "đứt gánh" này là bởi phát triển nhưng thiếu khung pháp luật về đất đai, về quản lý và vận hành các BĐS du lịch đa công năng. Cộng thêm ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn trong một thời gian dài để phòng dịch Covid-19. Trước đó, hồi đầu năm 2020, Bộ TN&MT đã có công văn hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50 - 70 năm. Tuy nhiên, đến nay, khung pháp luật vẫn chưa được hình thành. Đất đai từ cam kết miệng được sử dụng dài hạn như đất ở, nay phải chuyển sang sử dụng theo thời hạn 50 - 70 năm, khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp rời bỏ sản phẩm condotel.
“Do đó, trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc BĐS du lịch kiểu mới, vì việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới năm 2023, cùng với việc đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên khách nước ngoài chưa thể tới Việt Nam được”, ông Võ nói.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, xu hướng phát triển condotel là tất yếu. Du lịch phát triển mạnh, ai cũng muốn có căn hộ để nghỉ dưỡng cộng với cam kết lợi nhuận đã thúc đẩy phân khúc này phát triển. Tuy nhiên, thị trường condotel vắng bóng các doanh nghiệp du lịch với “data” khách hàng khổng lồ.
“Thị trường condotel đang kỳ vọng sẽ tốt lên trong năm 2021 nhưng không có gì là chắc chắn cả. Để đầu tư vào condotel, khách hàng nên lưu ý uy tín chủ đầu tư, nên mua condotel nào sẵn có để khai thác được ngay. Thứ nữa là đơn vị vận hành, yếu tố này rất quan trọng. Khi đầu tư condotel nên nghĩ là đang đi du lịch ở khu vực này, có đông dân hay không, văn hóa địa phương ra sao, ai vận hành ở đây… chứ không nên nhìn vào cam kết lợi nhuận và một bảng vẽ hoành tráng sẽ rất dễ mắc sai lầm”, ông Quang cho hay.