Hoa hậu Thế giới người Việt 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi. Ảnh: BTC |
Hoa hậu Ý Nhi livestream và gửi lời xin lỗi khán giả về những phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clip. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, nhà thơ Dương Kỳ Anh, người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chia sẻ, nhiều hoa hậu Việt Nam khi đăng quang tuổi đời còn rất trẻ. Ví dụ như hoa hậu Hà Kiều Anh đăng quang khi 16 tuổi, còn hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang khi 17 tuổi…
Tuy nhiên, họ chưa vướng phải phát ngôn gây tranh cãi sau thời điểm đăng quang. Cho nên, nếu nói do tuổi còn trẻ mà hoa hậu có những phát ngôn thiếu “chuẩn mực”, thì không hẳn.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ảnh: NVCC. |
Theo “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, hoa hậu là một cuộc thi về nhan sắc, tuy nhiên, sắc đẹp đó phải hài hòa với trí tuệ. “Thời của tôi, nếu hoa hậu không có sự hài hòa giữa trí tuệ và sắc đẹp thì không được chọn”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh kể, tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức năm 1996, có một thí sinh có nhan sắc vượt trội, đẹp nhất trong các thí sinh. Diễn viên Trà Giang khi đó đã nhận xét, nếu xét riêng về sắc đẹp, thí sinh đó có thể tham gia đấu trường quốc tế và có thể đoạt giải. Thế nhưng cuối cùng, thí sinh đó đã không được Ban Tổ chức chọn là hoa hậu vì ứng xử không tốt.
Như vậy, để trở thành hoa hậu, đẹp thôi chưa đủ, mà còn phải có trí tuệ, nhận thức, ứng xử ngang tầm sắc đẹp. Và trí tuệ, ứng xử, nhận thức ấy không chỉ ở trong một cuộc thi, mà còn phải thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, đó mới là hoa hậu.
Về những phát ngôn gây tranh cãi của Ý Nhi, qua theo dõi, ông thấy, việc khen, chê, phản ứng của cộng đồng mạng xuất phát từ nỗi thất vọng của họ về ứng xử của người ở ngôi vị cao nhất. Những phản ứng này là thường tình đối với người của công chúng. Tuy nhiên, cần dúng đắn và nhân văn, không nên thóa mạ hay cực đoan. Đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm đối với không chỉ hoa hậu Ý Nhi trong những ứng xử khi đã đội lên đầu chiếc vương miện đại diện cho cái đẹp.
Ông không tham gia Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, nhưng qua vụ việc, nên chăng Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi cũng cần rút kinh nghiệm trong việc chọn hoa hậu. Theo đó, đã chọn người đủ hài hòa giữa hình thức và nội dung, giữa vẻ đẹp hình thể và trí tuệ hay chưa?
“Ngày xưa, Ban Giám khảo cuộc thi hoa hậu gồm những tên tuổi có uy tín, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NSND.Trà Giang, GS. Nguyễn Quang Quyền (nhà nhân trắc học nổi tiếng)… chọn lựa được những hoa hậu rất xứng đáng”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Cũng theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, nhìn rộng ra từ vụ việc, cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ khi cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, không phải cuộc thi người đẹp nào cũng gọi là thi hoa hậu. Cùng với đó, sẽ chỉ có vài cuộc thi được trao danh hiệu hoa hậu. Còn lại thì gọi là người đẹp hay hoa khôi chứ không phải như tình trạng hiện nay, có câu nói vui “ra ngõ gặp hoa hậu”, khiến danh hiệu hoa hậu bị “rẻ rúng”.
Về phản ứng của một số cư dân mạng đòi tước bỏ vương miện của hoa hậu Ý Nhi, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng hơi “nặng nề”. Bởi phải có vi phạm về đạo đức hay pháp luật… thì mới đề xuất như vậy. “Còn đây là phát ngôn chưa xứng tầm hoa hậu”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Chiều 31/7, Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam đăng tải lời xin lỗi sau ồn ào liên quan đến phát ngôn của hoa hậu Ý Nhi. Bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss World Vietnam chia sẻ: "Chúng tôi xin lỗi vì những phát ngôn chưa chuẩn của Hoa hậu Ý Nhi đã làm tổn thương nhiều bạn trẻ. Trong suốt những ngày qua, bản thân Ý Nhi đã có sự nhìn nhận lại và hiểu được những điều mình chưa hoàn thiện. Chúng tôi chân thành xin lỗi".
Còn Ý Nhi một lần nữa gửi lời xin lỗi và mong khán giả tha thứ và cho cô cơ hội để sửa sai. "Tôi nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong suy nghĩ, và kỹ năng diễn giải trước công chúng của mình. Chính từ đó đã gây ra những tổn thương cho các bạn đồng trang lứa", cô nói.