Tử vong và tàn phế do tim mạch tại Việt Nam là cao nhất

Ung thư không phải là bệnh gây tử vong cao nhất mà là tim mạch. Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch. Số người trẻ tử vong tăng cao chủ yếu là do “tim mạch xơ vữa”.

Đó là thông tin các chuyên gia tim mạch đưa ra trong buổi họp báo giới thiệu chính thức các thông tin về Đại hội tim mạch toàn quốc lần thứ 18, được tổ chức từ 7-9/10 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội tim mạch Việt Nam cho biết, mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Các bệnh không lây nhiễm: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần đang tăng lên rõ rệt, trong khi các bệnh lây nhiễm có xu hướng giảm.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh tim mạch đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả tử vong do ung thư.

Các chuyên gia tim mạch trả lời tại cuộc họp báo

Các chuyên gia tim mạch trả lời tại cuộc họp báo

PGS.TS Hùng cho biết, tổ chức Y tế thế giới ước tính, có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch và số bệnh nhân này đang có xu hướng ngày một tăng. Theo kết quả điều tra năm 2019 thế giới có 76% người chết do bệnh không lây nhiễm, trong đó riêng bệnh tim mạch là 30%. Đặc biệt, trong số 28,9 triệu người chết do tim mạch thì có tới 9 triệu là do các bệnh lý động mạch, tĩnh mạch.

“Bệnh lý động mạch vành tiến triển âm thầm nhưng gây ra cái chết đột ngột ở người trẻ. Đây chính là tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim thường được nhắc đến.” – PGS.TS Hùng thông tin

Nguyên nhân theo các chuyên gia, ngoài tình trạng bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa, đái tháo đường, mỡ máu và thói quen hút thuốc lá, thuốc lào… thì việc ăn thoải mái, không chú trọng tới dinh dưỡng, uống nhiều rượu bia và không quan tâm tới sức khỏe…khiến bệnh tật phát sinh.

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực địa dư khác nhau của nước ta nằm trong khoảng từ 25- 47%. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Có khoảng 50% không biết mình bị bệnh, 1/3 số người biết bị bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị và 50% điều trị không đạt huyết áp mục tiêu dưới 140/90 mmHg.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Đại hội tim mạch toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “30 năm tim mạch học Việt Nam: Hình thành, Phát triển, Hội nhập” thu hút khoảng 2500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Hội nghị

Với quy mô gồm 10 hội trường báo cáo khoa học và đào tạo liên tục. Hội nghị có 97 phiên báo cáo khoa học, 14 phiên thực hành và 12 phiên đào tạo liên tục với 60 báo cáo viên quốc tế đến từ 11 quốc gia. Hội nghị sẽ có gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới.

Hội nghị nhằm truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, những hiểu biết phòng, chống một cách hữu hiệu với bệnh lý này.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top