Từ Vingroup, Masan, Amazon đến toan tính của đại gia Việt

(khoahocdoisong.vn) - Cái bắt tay giữa Masan và VinGroup được dự báo sẽ “chuẩn hóa” các mặt hàng tiêu dùng trong nước. Đó là tiền đề để các mặt hàng này thuận lợi “lên kệ” Amazon và vươn ra thế giới.

Ngày 3.12, VinGroup chuyển giao quyền quản lý VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) cho Công ty CP hàng tiêu dùng Masan. Ngày 4.12, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling đã ký kết hợp tác thực hiện các chương trình hợp tác xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, phát triển thương hiệu Việt Nam trên Amazon. Hai sự kiện tưởng tách rời nhau này, đều có một điểm chung, là sẽ tác động lớn tới hàng Việt trong thời gian tới.

Thời cơ 

Amazon hiện là doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu. Việc Amazon ký kết hợp tác với Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam, vốn tăng trưởng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Sự kiện ký kết và sau đó trong giai đoạn triển khai đều có sự tài trợ, hỗ trợ của SHB và Tập đoàn T&T

Tại buổi ký kết này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, trong năm 2020, cục và Amazon sẽ thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ và có quy mô lớn hơn nữa trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử, tăng hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Amazon cam kết sẽ tập trung hợp tác phân phối sản phẩm gia dụng và đồ làm bếp, đồ thủ công, dệt may, da, giày, sản phẩm tiêu dùng...; Tăng cường hỗ trợ người bán hàng tại Việt Nam thông qua việc củng cố hệ sinh thái các nhà cung cấp dịch vụ; Tổ chức các buổi hội thảo với các chủ đề đa dạng… Amazon cũng sẽ phối hợp nâng cao các hoạt động lâu dài hỗ trợ doanh nghiệp và người bán hàng nội địa đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế.

Hiện, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, cũng như nguồn cung ứng lao động dồi dào, với nhiều tài năng trẻ và cộng đồng mạng lớn.

Tuy nhiên, so với tiềm năng sản xuất, đến nay mức độ khai thác sản phẩm Việt để đưa lên sàn thương mại điện tử là chưa tương xứng. Thực tế, Amazon đã triển khai hỗ trợ các nhà sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam từ 6 tháng nay. Doanh nghiệp này đã mời gọi 105 đơn vị sản xuất bản bán hàng trên nền tảng của mình. Tuy nhiên đến nay chỉ 50% số đơn vị sản xuất trên có thể bán hàng trên Amazon.

Thông qua Amazon, các mặt hàng của doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận được với hàng triệu khách hàng trực tuyến đến từ 185 quốc gia khác nhau.

Tuy Amazon không nêu rõ nguyên nhân tại sao 50% số đơn vị bán hàng còn lại bị loại. Nhưng dựa trên đặc tính sản xuất quy mô nhỏ cố hữu hiện nay, có thể dự đoán các đơn vị trên đã không đáp ứng các tiêu chí của Amazon.

Điều này cũng phần nào được thể hiện qua những sự hỗ trợ của Amazon đối với đơn vị sản xuất trong nước, đó là “hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược để thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên Amazon”.

"Online chỉ là một bước ban đầu, các bước tiếp theo phải làm sao xây dựng được chiến lược, giúp các nhà bán hàng đưa được sản phẩm xuyên biên giới. Chương trình hợp tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề khúc mắc trong liên kết, hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp VN như thủ tục hoàn thuế, đăng ký mở tài khoản trên Amazon thông qua hóa đơn điện tử, giải quyết cho doanh nghiệp thuận lợi nhất khi tiếp cận thương mại điện tử" - ông Phú cho biết.

Khi đại gia chống lưng

Trước đó 1 ngày, ngày 3/12, VinGroup đã có thông báo chuyển nhượng quyền quản lý của VinCommerce  (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thương vụ này hoàn thành sẽ “tạo ra những giá trị cộng hưởng đáng kể để tạo ra Nhà vô địch về Tiêu dùng và Bán lẻ của Việt Nam trong tương lai”, dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Hiện nay, Masan đang là nhà sản xuất lớn nhất cả nước trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm, đặc biệt là nước mắm, nước tương (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu) và đang trên đường trở thành nhà sản xuất lớn nhất cả nước về đồ ăn nhanh như mì tôm, phở, café… với các thương hiệu như Omachi, Kokomi, Sagami, Vinacafe,….

Các sản phẩm này phù hợp với nhu cầu của phần lớn người tiêu dùng, nhất là những người trẻ luôn ưu tiên sản phẩm có sẵn, tiện lợi, dễ sử dụng. Masan cũng là doanh nghiệp chịu đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, các nhà máy sản xuất hiện đại... Sản phẩm của Masan đang bán tại gần 200.000 cửa hàng các cỡ trên cả nước.

Trong khi đó, chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ vốn nổi tiếng với triết lý bán hàng tin cậy, nhưng tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm  thiết yếu, khá tương đồng với cơ cấu sản xuất sản phẩm của Masan. Tệp khách hàng của VinMart, VinMart+ cũng là những khách hàng trẻ, ưu tiên chất lượng hơn là giá cả.

Do đó, khi tiếp nhận lại hệ thống này, Masan tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì triết lý bán hàng vốn của của VinCommerce. Với tiềm lực sẵn có, doanh nghiệp này cũng tuyên bố sẽ "giương cao ngọn cờ" hàng Việt Nam chất lượng cao mà VinGroup đã tiến hành qua hệ thống VinMart và VinMart +.

Lưu ý là, bên cạnh VinCommerce, VinGroup còn chuyển nhượng cả VinEco - doanh nghiệp nông nghiệp nhưng đã kịp hình thành hệ thống tới 14 phòng nghiên cứu của mình. Tại Masan, doanh nghiệp này hiện cũng có hệ thống phòng nghiên cứu, kiểm tra cho từng dòng sản phẩm của mình, từ nước mắm, nước tương, tới sản phẩm thịt mát thương hiệu MEATDeli mới xuất hiện.

Do đó, sẽ không lạ nêu hàng Việt muốn đưa vào chuỗi cửa hàng của Masan phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của doanh nghiệp này. Cốt lõi chất lượng được xác lập từ khi hình thành VinMart, VinMart+ sẽ tiếp tục được Masan duy trì. Vượt qua thử thách này, việc hàng Việt đạt yêu cầu chất lượng và kênh phân phối để xuất hiện trên Amazon, hay bất cứ sàn thương mại điện tử quốc tế nào, là hoàn toàn khả thi.

Trong nhiều năm gần đây, khẩu hiệu Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt luôn được nêu cao, thậm chí tổ chức thành chương trình hành động. Tuy nhiên, chương trình ấy thiếu hẳn những tiêu chí, tiêu chuẩn, và đặc biệt là thiếu hẳn những thương hiệu tin cậy cụ thể. Và thiếu nhất là một lực kéo đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Đó cũng chính là điểm chung nữa, trong nỗ lực kết nối hàng Việt với Amazon do SHB và T&T thực hiện, hay từ cuộc nhận chuyển giao chuỗi VinMart, VinMart+ của Vingroup và Masan. Chưa bao giờ hàng Việt được chính những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam định hình và thúc đẩy một cách mạnh mẽ đến thế.

Theo Đời sống
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Chiều 24/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 38 - 68 đồng/lít, trong khi giá các loại dầu tăng giảm tùy loại, nhưng mức biến động cũng không đáng kể.
back to top