Thương vụ bất ngờ
Trong thư gửi cán bộ công nhân viên được phát đi sáng ngày 3/12, Ban lãnh đạo Vingroup cho biết sau khi hoán đổi cổ phần, do tỷ lệ sở hữu trong công ty mới không còn đa số, tập đoàn quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành Công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan. Việc chuyển nhượng này nhằm giúp Vingroup có thể tập trung toàn bộ nguồn lực cho 2 lĩnh vực là công nghiệp và công nghệ (hiện có VinFast và VinSmart).
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với Nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Thư gửi cán bộ của VinGroup viết: “Sau 5 năm hình thành và phát triển, VinCommerce và VinEco đã bước đầu hoàn thành sứ mệnh đề ra của Tập đoàn Vingroup”.
Đó là xây dựng thành công VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam. VinCommerce đủ năng lực cạnh tranh và khả năng đối trọng sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt. Và thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.
VinEco cũng đã đạt được mục tiêu thúc đẩy, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng thúc đẩy nông nghiệp sạch, vì mục tiêu đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho người Việt.
Trước đó, năm 2014, VinGroup đã gây bất ngờ khi tham gia thị trường bán lẻ, bằng thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Ocean Mart từ Ocean Group. Việc thành lập VinCommerce cho thấy mục tiêu rõ ràng của VinGroup trong việc thâu tóm và định vị lại thị trường bán lẻ nội địa.
Hiện VinCommerce có vốn điều lệ là 6.436 tỷ đồng, sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Theo số liệu cập nhật từ website, VinMart hiện có 115 siêu thị còn VinMart+ có 2.438 cửa hàng, lớn nhất trong các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi VinEco vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất, sở hữu 15 nông trường trên cả nước, hơn 800 hợp tác xã liên kết, diện tích sản xuất là 3.000ha.
Nhưng hợp lý
Thương vụ chuyển giao VinCommerce từ VinGroup sang Masan là một thương vụ hợp lý để tối ưu hóa lợi thế của cả VinGroup và Masan - hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam hiện nay.
VinGroup nhận xét, thương vụ này hoàn thành sẽ “tạo ra những giá trị cộng hưởng đáng kể để tạo ra Nhà vô địch về Tiêu dùng và Bán lẻ của Việt Nam trong tương lai”, dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.
Kể từ khi thành lập, VinCommerce liên tục mở rộng sự hiện diện thông qua việc tăng số lượng cửa hàng cũng như thực hiện các thương vụ M&A mua lại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi. Cách đây một năm VinCommerce hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty CP Nhất Nam. Tháng 4/2019, VinMart cũng mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop&Go.
Hiện VinMart và VinMart+ đang là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam, có tốc độ phát triển nhanh với tăng trưởng doanh thu trung bình 80-100% mỗi năm. VinCommerce đặt mục tiêu duy trì tốc độ mở mới đạt 302 siêu thị VinMart và 9.643 VinMart+ vào năm 2025, phủ khắp 63 tỉnh, thành cả nước.
Cùng ngày 3/12, Masan phát đi thông cáo báo chí, với 2 nội dung chính. Theo đó, Masan dành cho đối tác của mình những đánh gia đúng mực, nhưng đầy tự tin “Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt".
Với Masan, việc sáp nhập VinCommerce và VinEco sẽ giúp tập đoàn "nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”. Thực tế, sản phẩm của Masan đã xuất hiện trong mạng lưới 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm, và 160.000 điểm bán lẻ đồ uống. Masan cũng đồng thời là nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, với việc sở hữu nhiều thương hiệu như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami), gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe), và gần nhất là thương hiệu thịt mát MEATDeli...
Quy mô sản xuất và quy mô sản phẩm của Masan đang tăng dần đều qua từng năm. Tuy nhiên, chính quy mô ấy lại trở thành yêu cầu có tính bắt buộc đối với Masan, về việc phải có hệ thống bán lẻ riêng của doanh nghiệp này. Nói cách khác, với Masan, việc làm chủ kênh bán lẻ, làm chủ hệ thống bán lẻ đã trở thành yêu cầu bức thiết, có tầm quan trọng không kém việc trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Điều này giải thích vì sao thông cáo báo chí của Masan nhấn mạnh vào ý nghĩa quyết định của việc hợp tác với Vingroup. Mà theo đó, "thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực". Lưu ý là, Masan nhấn mạnh vào mục tiêu "dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực".
Điều đó cũng có nghĩa, sau thời gian dài chìm đắm, và cạnh tranh gay gắt tranh giành thị phần với các doanh nghiệp nước ngoài, việc chuyển giao Vingroup và Masan chính là thương vụ quan trọng nhất của ngành bán lẻ Việt Nam trong chừng chục năm trở lại đây. Mà theo đó, chiến lược của các doanh nghiệp nội là phát triển sản xuất kết hợp với nắm chắc hệ thống bán lẻ ngay trong khu dân cư.
Sự kết hợp giữa Vingroup và Masan ngay từ đầu đã đưa hàng Việt tới tận các cửa hàng bán lẻ tại khu dân cư, thay vì hiện diện tại các trung tâm mua sắm, siêu thị to lớn, nhưng xa xôi và thiếu thân thiện của các doanh nghiệp ngoại.