Niraj Kumar Singh, một quan chức khu vực thuộc Prayagraj Nagar Nigam - cơ quan chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng và quản lý thành phố Prayagraj - xác nhận trong số hàng loạt thi thể dạt vào bờ sông Hằng có một thi thể vẫn còn đeo ống thở oxy trên miệng. Ông cho rằng người này dường như bị bệnh trước khi qua đời, NDTV đưa tin hôm 24/6.
“Mọi người có thể thấy người này đã bị bệnh và được gia đình thả thi thể xuống sông. Có thể họ đã quá sợ hãi, tôi không thể nói gì hơn”, ông Singh cho biết.
Cũng theo lời vị quan chức này, ông đã hỏa táng 40 thi thể trong 24 giờ qua ở Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. “Chúng tôi đang hỏa táng từng thi thể một theo nghi lễ đầy đủ”, ông Singh cho hay, đồng thời tiết lộ thêm rằng không phải toàn bộ thi thể tìm được từ sông Hằng đều đã phân hủy, một số thi thể thậm chí còn rất mới.
Thi thể được bọc trong vải liệm lộ ra dọc bờ sông Hằng ở Shringverpur, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, sau khi mưa cuốn trôi lớp cát trên cùng vào cuối tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng Prayagraj, ông Abhilasha Gupta Nandi, người tham gia trợ giúp hoạt động hỏa táng trên các bờ sông, nói với báo giới rằng nhiều cộng đồng ở bang Uttar Pradesh có truyền thống chôn cất lâu đời. Ông cho biết: “Tìm thấy các thi thể trôi nổi do nước sông dâng ở bất cứ đâu, chúng tôi đều sẽ tiến hành hỏa táng”.
Tình trạng nước sông Hằng dâng lên do mùa mưa đang khiến giới chức trách ở thành phố Prayagraj vật lộn với vấn đề các mộ chôn tập thể bên bờ cát - trong đó có các trường hợp nghi là bệnh nhân Covid-19 - trôi xuống nước.
Các video và hình ảnh quay bằng điện thoại di động do các nhà báo địa phương ghi nhận tại các khu vực khác nhau ở Prayagraj trong hai ngày qua cho thấy giới chức trách đang vớt thi thể trên sông.
Hình ảnh về những ngôi mộ nông tập thể nằm trên bờ cát bên sông Hằng ở nhiều địa điểm ở Uttar Pradesh và Bihar đã nổi bên trên trang nhất nhiều tờ báo khắp thế giới hồi tháng 5, trùng với đợt đại dịch Covid-19 thứ hai càn quét Ấn Độ. Hàng trăm thi thể cũng bị trôi dạt trên sông Hằng ở khu vực ở phía đông Uttar Pradesh và hạ lưu ở Bihar.
Những hình ảnh này gây ra cơn sốc lớn và sự phẫn nộ của cư dân địa phương. Nhiều người lo ngại trong số các thi thể có nạn nhân Covid-19.