TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam: Kích thích tăng trưởng giai đoạn này phải rất thận trọng

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam để ổn định, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay việc đầu tiên là phải dập dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, còn những biện pháp khác để kích thích kinh tế mạnh mẽ cần phải rất thận trọng.

Dư địa thực hiện mục tiêu kép đang hẹp dần

Thưa ông, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, vậy mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội giao 6% năm 2021 có khả thi không?

Chắc chắn với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay, kế hoạch đạt được những mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra từ đầu năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Dù vậy, theo tôi, thời điểm này, một mặt Nhà nước vẫn phải tiếp tục kiên trì mục tiêu khống chế dịch, mặt khác cũng có thể thực hiện kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế. Phương thức đó vẫn phù hợp.

Như vậy, mục tiêu để đạt được mức tăng trưởng như yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ vẫn có cơ hội chứ không phải không.

Dư địa để thực hiện mục tiêu kép, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện nay ra sao, thưa ông?

Nói thực ra, dư địa cho việc thực hiện mục tiêu kép hiện ngày càng ít, càng khó khăn hơn so với trước. Tình hình lạm phát vừa rồi có những dấu hiệu đáng lo ngại, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc hỗ trợ, tác động bằng chính sách tiền tệ.

Với quan ngại lãi suất quá thấp hiện nay, rõ ràng dư địa để hạ lãi suất gần như rất ít, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang “rập rình” trở lại. Nếu lạm phát tăng thì lãi suất sẽ phải tăng theo để kiềm chế lạm phát. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm.

Có thể nói dư địa về chính sách tiền tệ trong giai đoạn này rõ ràng là hẹp hơn trước rất nhiều. Vì vậy, kiểm soát lạm phát vẫn cần thiết được đặt lên trước. Việc hy sinh lợi ích ở một số mục tiêu khác để đảm bảo ổn định vĩ mô là điều hết sức cần thiết.

Về tài khoá, hiện nay cũng không còn nhiều dư địa. Cụ thể là Chính phủ không có đủ những khoản tiền lớn như năm 2020 để hỗ trợ cho đầu tư công. Ngân sách Nhà nước cũng đã hẹp hơn, trong khi việc chi tiêu ngày càng nhiều hơn, sẽ khó khăn hơn. 

Ngay như việc mua văcxin phòng Covid-19, là việc chi nhằm phục vụ cho dân sinh, phát triển kinh tế dài hạn, nhưng nó không tác động trực tiếp vào nguồn cung, mà đây là “tiền tươi thóc thật”.

Do đó, việc “cân đong, đo đếm” trong chi tiêu của Chính phủ cũng sẽ phải thận trọng, chặt chẽ hơn trước, thay vì “nới lỏng” các chính sách tài khoá cũng như tiền tệ trước đây.

Theo ông, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài chúng ta phải làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng?

Việc đầu tiên là phải dập dịch, không có cách nào khác ngoài việc khống chế được dịch bệnh. Đây là ưu tiên số 1, bởi nó hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển kinh tế nói chung. Rủi ro của tăng trưởng chủ yếu xuất phát từ dịch bệnh và quá trình triển khai tiêm văcxin.

Tiếp theo, Nhà nước phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự cân đối vĩ mô, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp những khó khăn như hiện nay. Chúng ta làm được điều đó thì đã là vô cùng tốt rồi.

Còn những biện pháp khác để kích thích tăng trưởng giai đoạn này phải rất thận trọng. Như thông qua các gói kích thích hay những biện pháp tài chính tiền tệ phải xem tác động được đến đâu, nguồn lực đến đâu, dư địa đến đâu để làm được điều đó. Những vấn đề này theo tôi tại thời điểm này chúng ta đang thiếu dư địa, nguồn lực để thực hiện.

Trước mắt, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đợt dịch này. Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp nằm trong tâm dịch hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn trong sản xuất, khó khăn trong việc thực hiện các cam kết với người mua trong chuỗi giá trị... Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp họ duy trì hoạt động vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này.

Việc bàn đến những gói kích thích lớn, hay hỗ trợ mạnh mẽ có lẽ giai đoạn này là chưa phù hợp.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economia Việt Nam.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economia Việt Nam.

Tư nhân nhập khẩu văcxin Covid-19 là ý tưởng hay

Vừa qua dịch Covid-19 tập trung nhiều vào các khu công nghiệp phía Bắc như (Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc), việc này sẽ tác động thế nào trong tăng trưởng FDI, cũng như tăng trưởng chung, thưa ông?

Tất nhiên nó sẽ có tác động đến tăng trưởng. Nhưng để đánh giá được hết cần phải xét các khu công nghiệp đó chiếm bao nhiêu % trong tổng xuất nhập khẩu các khu công nghiệp cả nước. Theo tôi nếu khống chế được dịch, không để bùng phát sang các khu vực khác thì sẽ không đến mức ảnh hưởng quá lớn.

Theo ông, để tránh bùng phát dịch bệnh các doanh nghiệp tư nhân trong các khu công nghiệp có nên chủ động mua văcxin cho công nhân hay không? Hay trông chờ vào Nhà nước?

Rất nhiều ý kiến ủng hộ việc tư nhân mua văcxin. Theo tôi đây là ý tưởng hay. Nhưng tính khả thi đến đâu thì lại là một vấn đề khác.

Bởi việc mua văcxin phải tuân thủ các quy định, các chính sách chặt chẽ. Phải tiếp cận nhiều góc độ, mua văcxin hiện nay phải đòi hỏi sự phối hợp giữa khu vực Nhà nước và tư nhân. Hàng hoá khác thì tư nhân có thể mua được nhưng văcxin không phải hàng hoá thông thường, đặc biệt là trong giai đoạn này thì tư nhân chưa thể mua được, có thể về lâu dài là được. 

Hay, một doanh nghiệp không thể tổ chức tiêm văcxin cho công nhân của mình được, cần phải có sự phối hợp với các cấp chính quyền, đơn vị chuyên môn, tiêm chủng, phòng dịch. Theo tôi, việc mua văcxin trong giai đoạn này nên có sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top