Liên quan tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh không thay đổi so với thời gian trước. Trong khi số doanh nghiệp rút lui và tạm ngừng kinh doanh là rất cao. Trong 4 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 28.000 doanh nghiệp, trong khi năm 2019 chỉ có 16.000 doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Covid-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, ở các mức độ khác nhau. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm vì đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua. Đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Chi phí doanh nghiệp giai đoạn này sẽ bị đội lên rất nhiều vì phải phòng dịch Covid-19.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme), các chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, đa phần doanh nghiệp và người lao động chưa được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện. Dự thảo các văn bản sửa đổi, hướng dẫn về gói hỗ trợ sắp tới của Chính phủ hiện chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ nên chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua bỏ quên đối tượng nông dân sản xuất hàng hóa. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều nông sản bị ách tắc tiêu thụ, nông dân khó khăn không tiếp cận được hỗ trợ. Mặt khác, các gói hỗ trợ cần thiết thực hơn, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch.
Để các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp được hiệu quả hơn trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, ông Hiếu kiến nghị Việt Nam cần quan tâm đến văcxin. Chúng ta chậm văcxin là sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Do vậy, ngoài văcxin từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để mua văcxin tiêm cho người lao động. Làm được điều này, nguồn văcxin của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sắp tới sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.