Trước sai phạm bán bảo hiểm, Prudential, Sunlife... làm ăn thế nào?

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy Prudential, MB Ageas Life, Sunlife và BIDV Metlife có nhiều sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng một số nhân viên ngân hàng giới thiệu, mời chào, ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi khách hàng đến gửi tiết kiệm, vay vốn tín dụng.
Lộ diện nhiều sai phạm
Bộ Tài chính vừa thông tin về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, Công Ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas, Công Ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sunlife Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Theo Bộ Tài chính cho biết, một số hành vi vi phạm điển hình gồm: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Truoc sai pham ban bao hiem, Prudential, Sunlife... lam an the nao?
Trước sai phạm bán bảo hiểm, Prudential, Sunlife... làm ăn thế nào? (ảnh minh họa: Internet).
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật…
Bức tranh tài chính của Prudential, Sunlife... ra sao?
Trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra, Prudential Việt Nam là công ty bảo hiểm có mạng lưới phân phối các sản phẩm qua kênh ngân hàng lớn nhất.
Cụ thể, Prudential Việt Nam đang có quan hệ hợp tác đồng thời với 7 ngân hàng bao gồm MSB, VIB, SeABank... và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Standard Chartered Bank, UOB, Shinhan Bank. Trong đó, thỏa thuận hợp tác giữa MSB và Prudential bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài trong 15 năm. Prudential và SeABank ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền vào năm 2020 với thời hạn 20 năm. Còn với VIB, Prudential Việt Nam đã chính thức ký kết thảo thuận đối tác chiến lược lâu dài triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng với thời hạn 15 năm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, tổng doanh thu của Prudential đạt 34.610 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm 30.557 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Prudential đạt 3.636 tỷ đồng, gấp khoảng 7,7 lần so với lợi nhuận năm 2021. Nguyên nhân là do công ty đã giảm mạnh khoản chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (giảm 33%) trong đó tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm giảm 37%.
Báo cáo tài chính năm 2022 của Prudential cho thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với doanh thu thuần đạt 11,91%, tăng mạnh so với mức 1,67% của năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu đạt 18,78%, gấp hơn 6 lần so với năm 2021. Theo Prudential, năm 2022, công ty đã chi trả bảo hiểm gần 9.600 tỷ đồng cho hơn 2,1 triệu khách hàng - tăng 11% so với năm 2021 và chiếm 1/4 thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Trong khi đó, Sunlife Việt Nam được thành lập năm 2013 với hoạt động chính kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Đến cuối năm 2022, công ty có 537 nhân viên, có 1 trụ sở chính, 2 chi nhánh, 39 địa điểm kinh doanh và 40 văn phòng tổng đại lý. Doanh nghiệp này hiện đang hợp tác phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance với ACB.
Năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sunlife Việt Nam đạt doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 5.173 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng (tăng 72%) so với năm 2021; doanh thu hoạt động tài chính đạt 510 tỷ đồng, tăng 4%. Dù doanh thu hoạt động bảo hiểm tăng nhưng Sunlife vẫn phải gánh khoản lỗ sau thuế hơn 1.469 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 1.445 tỷ đồng).
Đáng chú ý, từ thời điểm đặt chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam đến nay (năm 2013), chỉ riêng năm đầu tiên Sunlife Việt Nam có lãi 36 tỷ đồng, 9 năm tài chính còn lại Sunlife Việt Nam đều báo lợi nhuận âm. Việc thua lỗ liên tiếp khiến Sunlife Việt Nam gánh khoản lỗ luỹ kế xấp xỉ 4.575 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022.
Tuy nhiên, dù đang gánh lỗ luỹ kế, năm 2022, Sunlife vẫn mạnh tay chi đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý lên tới 21 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Chi khen thưởng hỗ trợ đại lý tăng 719 tỷ đồng so với năm 2021…
Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top