Trung Quốc khó tính hơn, hai bộ cấp “cẩm nang” hỗ trợ doanh nghiệp Việt

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương cùng Bộ NNPTNT đã xuất bản sổ tay "Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc". Mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân làm quen với các thay đổi về chính sách của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu vào quốc gia này.

Thay đổi tư duy sản xuất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc là “đòi hỏi đúng”. DN Việt Nam cần phải thay đổi tư duy của nền sản xuất hàng hóa chưa cao như hiện nay sang sản xuất hàng hóa tập trung hiện đại.

"Doanh nghiệp phải tập trung giải quyết các khâu như: tìm hiểu thông tin thị trường; thay đổi phương thức sản xuất; tăng cường chuỗi giá trị bằng chế biến hiện đại; xây dựng thiết chế hạ tầng công nghệ hiện đại... mới có thể thúc đẩy xuất khẩu" - ông Cường khuyến cáo.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến nay mới có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, dưa hấu, mít, măng cụt. Việt Nam đang ưu tiên đàm phán với Trung Quốc để được phép xuất khẩu chính ngạch với một số loại sản phẩm nông sản như sầu riêng, khoai lang tím, thạch đen. Một số quả khác đang gửi hồ sơ như chanh leo, bưởi, dừa, na, roi (mận) và bơ...

Để không chỉ xuất khẩu nông thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc mà còn sang các thị trường khác đi đúng hướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ngành Nông nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ chú trọng về công tác quy hoạch; Tái cơ cấu sản xuất hàng nông thuỷ sản; Coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường; Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thuỷ sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật; Định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các DN trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi...”

Bước đầu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) xuất bản sổ tay "Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc". Đây là cuốn “cẩm nang” với 3 nội dung chính: đặc điểm thị trường nông thủy sản Trung Quốc; quy định của Việt Nam về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Đây là những thông tin cơ bản và rất hữu ích đối với những DN xuất khẩu, các nhà quản lý ở địa phương muốn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, trong phần phụ lục sổ tay còn cung cấp thông tin liên hệ của những tổ chức cấp C/O mẫu E - giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho hàng hóa Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (Hiệp định khung ACFTA), một trong những chứng từ quan trọng trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Sổ tay còn cung cấp thông tin một số DN nhập khẩu nông thủy sản của Trung Quốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp nếu có nhu cầu kết nối.

500 cuốn sổ tay đã được in và phát miễn phí cho đại diện Sở NNPTNT và các DN. Với lượng thông tin khá đầy đủ, cập nhật nhiều tài liệu mới, cuốn sổ tay đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các đại biểu. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng số lượng như vậy chưa đáp ứng nhu cầu, sổ tay nên được đăng tải lên mạng để tiện lợi hơn cho người đọc. Đại diện ban tổ chức cho biết đang chuẩn bị in thêm 1.000 cuốn sổ tay nữa để cung cấp cho những cá nhân và DN có nhu cầu.

Thị trường hơn 1,4 tỷ dân

Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê.... của hàng Việt.

Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Do thế, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu tốt đối với hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam, miễn là đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Lý giải sự “khắt khe” của thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu đi, còn có nguyên nhân từ những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc. Nước này đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về Tổng cục Hải quan. Tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.

Với các quy định mới này, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường "khó tính", dù có tới 1,4 tỷ dân. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn làm ăn với thị trường này phải thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù nhiều DN Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn trong nhập khẩu các mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai, song do các DN của ta chưa đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu. Cơ sở chế biến phải nằm trong danh sách đã được phía Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc; phải có chứng thư an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp... nên thời gian qua, mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.

Theo Đời sống
back to top