Xuất khẩu 2019 khó đạt kế hoạch

(khoahocdoisong.vn) - Xuất khẩu 7 tháng thấp khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch. Những tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thấp, EU giảm, thị trường Mỹ có tăng trưởng, nhưng đi kèm rủi ro.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt 261 - 262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Để đạt mục tiêu cả năm, mỗi tháng cuối năm cần xuất khẩu được 23,2 - 23,4 tỷ USD. "Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã là tháng 8/2018" - Bộ Công Thương nhận định. Trong khi đó, Việt Nam không có nhiều thuận lợi để gia tăng xuất khẩu trong những tháng còn lại, do tình hình kinh tế, thương mại thế giới suy giảm.

7 tháng đầu năm 2019, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Trung bình mỗi tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 20,7 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm đạt 16,68 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có nhiều mặt hàng của Việt Nam phía Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ. Bao gồm gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường. Trong đó, điện thoại và gạo ảnh hưởng nhiều nhất (điện thoại giảm 549 triệu USD, gạo cũng giảm 329 triệu USD so với cùng kỳ, tương đương khoảng 30%). Hiện Trung Quốc vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũ vừa hạn chế nhập khẩu gạo mới khi tồn kho của nước này ở mức 79%.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu sang thị trường EU 6 tháng đầu năm đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sắt thép giảm 43% do sự đi xuống của giá và sức mua của tất cả các thị trường. Điện thoại và linh kiện giảm 6,8% so với cùng kỳ khi Áo, Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Điển có nhu cầu thấp hơn cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 6 tháng đạt 27,5 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua vào Mỹ cũng đi kèm với rủi ro có thể chịu biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ nước này. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top