Làn sóng "chạy đua" về lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, không chỉ tăng lãi suất thông thường mà các nhà băng còn tranh thủ đưa ra các "combo" để hút người gửi tiền thông qua các chương trình khuyến mãi nhân dịp kỷ niệm ngày lễ riêng của ngân hàng hoặc chuẩn bị ngày lễ tết cuối năm.
Gần đây nhất, Sacombank - ngân hàng có mạng lưới giao dịch rộng khắp nhất trong nhóm cổ phần tư nhân - đã đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn là 6 tháng lên mức 7,5%/năm. Cụ thể, theo thông báo của ngân hàng, các kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng được tăng lên mức kịch trần là 5,5%/năm, thay vì mức 5,2% và 5,3% trước đây; kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,5%/năm thay vì 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng lãi suất 7,7%/năm thay vì 6,9%/năm.
Việc tăng lãi suất mạnh tay được ngân hàng lý giải đó là để mừng sinh nhật ngân hàng ngày 21/12, và các mức lãi suất cao chót vót như vậy được áp đụng đến hết tháng 12.
Trước Sacombank, một ngân hàng lớn khác là VPBank cũng đã đẩy lãi suất lên rất cao nhân dịp mừng đội tuyển Việt Nam vô địch VFF Cup, áp dụng tới ngày 26/12. Theo đó các kỳ hạn dài được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,1% - 0,7% và lãi suất cao nhất là 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng ở một số sản phẩm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này tới 7,2%/năm còn các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được chào mời tới 7,7 - 7,8%/năm nếu gửi theo chương trình phát lộc thịnh vượng.
Ngoài lãi suất cao, ngân hàng này còn tranh thủ tặng thêm lãi suất cho khách hàng gửi online hoặc các chương trình khuyến mãi theo dạng "combo" cho người gửi tiền như ưu đãi về mở thẻ tín dụng, giảm phí mở số tài khoản đẹp, trừ phí giao dịch, tăng mức hoàn tiền khi mua bảo hiểm liên kết với VPBank...
Ở các ngân hàng khác lãi suất thời gian vừa qua cũng được đẩy lên khá cao, song vẫn có sự phân biệt rõ ràng giữa nhóm tư nhân và nhóm có vốn chi phối nhà nước.
Với nhóm tư nhân, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến trên dưới 7%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức cao kịch trần tức 5,5%/năm còn kỳ hạn dài thì phổ biến trên 7% cho đến hơn 8%/năm. Thậm chí một số ngân hàng còn áp dụng chương trình khuyến mại "nhân đôi" để hấp dẫn người gửi tiền và áp dụng chủ yếu cho các kỳ hạn dài, với điển hình là VIB, Nam A Bank và OCB.
Tại OCB lãi suất nhân đôi được ngân hàng công bố lên tới 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,2% cho kỳ hạn 6 tháng, còn VIB thì nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên cho các khoản tiền gửi tối thiểu 100 triệu đồng và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi đó ở Nam Á chương trình lợi ích nhân đôi cho các khoản tiền gửi lãi suất cao nhất tới 8,3%/năm với kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối thì lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng vẫn dưới 5%/năm và kỳ hạn dài cao nhất cũng chỉ 7%/năm, với quán quân đang thuộc về VietinBank.
Còn với các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam hoặc ngân hàng liên doanh, lãi suất tiền gửi cũng được đẩy lên mức khá cao, cao hơn trung bình của nhóm cổ phần tư nhân. Trong số đó, Indovina đang là ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao nhất. Hiện Indovina huy động vốn kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,7 - 6,8%/năm nhưng kỳ hạn dài cao nhất là 7,9%/năm.
Như vậy nhìn qua thị trường thì mức lãi suất tiền gửi 6 tháng đang cao nhất thuộc về Sacombank với 7,5%/năm, còn nếu tính cả các chương trình khuyến mãi và "combo" thì lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở OCB, VIB vẫn có cơ hội cao hơn. Về kỳ hạn dài 18 tháng trở lên thì các ngân hàng như VPBank, OCB, Vietcapital Bank, Nam Á, Ngân hàng Quốc Dân... đang "bạo chi" hơn cả.
Chia sẻ với chúng tôi về việc các ngân hàng đẩy lãi suất lên cao dịp gần đây, hầu hết các chuyên gia cho rằng đó chỉ là động thái riêng lẻ ở một số nhà băng và mang yếu tố mùa vụ - khi các ngân hàng hút vốn để chuẩn bị cho mùa kinh doanh đầu năm. Các chuyên gia cũng dự đoán làn sóng tăng lãi suất chưa thể hạ nhiệt cho đến sau Tết nguyên đán, nhưng áp lực trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018.