Trời rét: Tắc mạch chi nguy cơ hoại tử chân và đột tử

Nhiều người đi lại khó khăn, tưởng đau xương khớp nhưng không ngờ lại do tắc mạch chi. Đây là bệnh dễ gây hoại tử chi, nhiễm khuẩn huyết và đột quỵ.

Đặc biệt về mùa đông, tắc động mạch chi thường tăng thêm 10 – 15%. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh ẩm gây co mạch và trời lạnh người dân ít hoạt động khiến bệnh phát triển.

Cắt cụt chi khẩn cấp để cứu tính mạng

Ông Đỗ Văn H. 62 tuổi (Hà Nội) cho biết, hơn 1 tháng nay trời lạnh ông bị đau chân đi lại khó khăn. Ông đi khám được chẩn đoán thoái hóa khớp, điều trị thuốc cơ xương khớp 2 tuần nhưng bệnh không đỡ, đau tăng lên, hai chân tê bì và lạnh.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu: đau tức chân nhiều, cảm giác đau tức tăng khi vận động, tím lạnh 2 chi dưới, nổi phỏng nước, mất vận động… cần đến các cơ sở chuyên sâu về mạch máu để khám và điều trị. Không nên bỏ qua các triệu chứng hay tự điều trị tại nhà sẽ gây ra một số biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối động mạch phổi, nhồi máu não… gây khó khăn cho điều trị hoặc nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tiền sử ông có rất nhiều bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá... khi đi kiểm tra lại ông đã được các bác sĩ cho siêu âm hệ động tĩnh mạch và phát hiện tắc hoàn toàn động mạch đùi chi dưới.

BSCKII Nguyễn Thế Huy, Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, may mắn ông T. phát hiện bệnh kịp thời, được tiến hành can thiệp nong mạch và đặt stent động mạch nên ngay sau đó ông đã hết đau, tê bì, đi lại bình thường.

“Nhiều người không được điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng khiến chân của người bệnh có thể mất chức năng vận động vĩnh viễn. Rất nhiều bệnh nhân khi thấy chân tím đen, hoại tử ngón mới đến viện thì không can thiệp được nữa mà phải cắt cụt chi để cứu tính mạng”, BSCKII Nguyễn Thế Huy cho biết thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan bộ phận chi dưới như cơ và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da… ở phía hạ lưu.

Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và sinh ra nhiều acid lactic, gây đau nhức chân khi vận động hay còn gọi là đau cách hồi. Diễn tiến bệnh nặng lên, làm cho quãng đường đi lại được liên tục của bệnh nhân sẽ càng ngày càng ngắn dần, có thể chỉ đi lại được vài chục mét đã đau, phải nghỉ mới đi lại tiếp được. Muộn hơn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chi dưới liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi, và cuối cùng là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh, hoặc nhiễm trùng huyết.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cung cấp, trung bình mỗi ngày bệnh viện Việt Đức, tiếp nhận khoảng 20 – 30 bệnh nhân. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng do “tự chẩn đoán” hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già…

“Tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa nội thần kinh hay thần kinh cột sống vì tê chân hoặc khám chuyên khoa da liễu xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch khá cao, khoảng 20-30%. Thậm chí, có bệnh nhân đột tử cũng không biết mình bị bệnh vì huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết.

Khó chẩn đoán và điều trị

TS.BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E cho biết, viêm tắc động mạch chi dưới hay gặp ở nam giới, đặc biệt là người có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì… Với những bệnh nhân bị tiểu đường thì triệu chứng này có thể bị che lấp bởi triệu chứng đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh, một biến chứng thường gặp của bệnh…

Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát triển khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin, tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý... tác động lên thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, gây ra các phản ứng co thắt ở động mạch.

Viêm tĩnh mạch sâu vùng cẳng chân, vùng đùi, khoeo, tĩnh mạch chậu… không thể phát hiện được bằng khám thông thường, phải khám chuyên sâu về mạch như: Siêu âm doppler động mạch, chụp DSA …

Việc điều trị rất khó khăn và cần phối hợp nhiều chuyên khoa tim mạch. Bên cạnh điều trị nội khoa bao gồm các thuốc chống đông, giảm đau, giãn mạch, các biện pháp mới như can thiệp nong bóng, đặt khung giá đỡ kim loại (stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu nối… Phẫu thuật cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng, khi tình trạng chi đã hoại tử không thể cứu vãn có thể nguy hiểm đến tính mạng..

Phòng bệnh tắc mạch chi, nên tăng cường tập thể dục thể thao để cải thiện hoạt động bơm của cơ. Khi đi ô tô, máy bay đường dài, nên uống nhiều nước, co duỗi chân tay, đứng dậy đi lại sau mỗi 1 – 2 tiếng nếu có thể.

Theo Đời sống
Bỏng gas nghiêm trọng, xử lý thế nào?

Bỏng gas nghiêm trọng, xử lý thế nào?

Bỏng là tai nạn rất hay gặp trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách sẽ giúp giảm diện tích và độ sâu của bỏng, giúp giảm những biến chứng để lại, nâng cao hiệu quả điều trị.
back to top