Công nghệ plasma lạnh
TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, y học plasma là một ngành khoa học mới. Ở Việt Nam, việc ứng dụng điều trị bằng tia plasma lạnh đã được thực hiện dù không nhiều. Cho đến nay, các nguồn plasma dùng cho mục đích y tế chủ yếu là các nguồn trực tiếp và gián tiếp. Tia plasma lạnh có thể tiêu diệt, bất hoạt các vi sinh vật, bất hoạt hoặc phá huỷ các tế bào. Hiệu ứng mềm của plasma là kích thích sự trao đổi chất của vi sinh vật, tác dụng đặc hiệu/có chọn lọc trên tế bào động vật có vú như tách đặc hiệu trên tế bào động vật có vú, tách các tế bào từ mạng lưới cũng như từ cụm tế bào, tác động lên sự di cư tế bào…
Plasma được sinh ra do sự ion hoá bằng điện năng các nguyên tử hay phân tử của một chất khí thực chất không có hoạt tính sinh học trực tiếp. Tuy nhiên sự tương tác của các nguyên tử/phân tử bị kích thích (bị ion hoá) với môi trường xung quanh sẽ tạo ra các thành phần hoạt hoá có tiềm năng sinh học, phát bức xạ điện từ. Plasma dù chỉ được tạo ra từ các quá trình thuần tuý vật lý có thể tạo ra các hoạt chất có hiệu quả sinh học thông qua các quá trình thứ cấp.
Theo TS Đỗ Hoàng Tùng, khả năng plasma bất hoạt các vi sinh vật trên bề mặt mà không làm ảnh hưởng hay ảnh hưởng rất ít đến các cấu trúc xung quanh đã thu hút được sự quan tâm của các bác sĩ. Trên thực tế, có rất nhiều bệnh tật gây ra do nhiễm khuẩn trên da kín cũng như vết thương. Vì vậy, điều trị các vết thương chậm liền ở da trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu đầu tiên của y học plasma.
Plasma hỗ trợ chữa lành vết thương dựa trên quá trình hai giai đoạn: Sát khuẩn để khôi phục lại khả năng sinh lý của quá trình lành vết thương; Kích thích tái tạo mô và các quá trình làm lành vết thương khác. Tia plasma lạnh điều trị làm liền vết thương hiệu quả cao và không gây tác dụng phụ. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành đều khẳng định plasma lạnh là một kỹ thuật mới trong điều trị vết thương.
Vết thương nhanh lành, giảm nhiễm khuẩn
TS Đỗ Hoàng Tùng cho hay, ở Việt Nam, xuất phát từ kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Công nghệ plasma, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đầu tiên nghiên cứu sản xuất máy phát tia plasma lạnh ứng dụng điều trị vết thương dựa trên sáng chế “Máy phát tia plasma lạnh ứng dụng trong y sinh". Hiện thiết bị được sử dụng ở nhiều bệnh viện như Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện nhân dân Gia Định. Điểm mạnh của công nghệ là làm sạch và khử trùng các bề mặt vết thương, có tác dụng rõ rệt với cả vi khuẩn kháng kháng sinh. Kích thích và làm tăng tốc làm lành vết thương, tái sinh mô, tăng sinh tế bào, hình thành mạch, rút ngắn thời gian đièu trị. Không có tác dụng phụ hoặc kháng thuốc, không gây tổn thương vào lớp da sâu hơn, giảm đau, giảm ngứa, giảm khó chịu, không cần gây mê. Thấm sâu vào các nang lông, dễ sử dụng…
Đến nay, công nghệ này đã được áp dụng tại 9 bệnh viện tuyến trung ương và nhiều bệnh viện tuyến dưới. Hàng nghìn ca điều trị trên người cho thấy plasma lạnh là hướng điều trị cho hiệu quả cao, giảm giá thành điều trị. TS Đỗ Hoàng Tùng hy vọng có thể mở rộng khả năng điều trị của plasma lạnh lên các loại hình vết thương khác như bỏng, sau phẫu thuật, chậm liền, nhiễm khuẩn hay các vị trí các vết thương khó tiếp cận.
Thời gian tới Viện sẽ nghiên cứu mở rộng lĩnh vực ứng dụng sang nông nghiệp như canh tác xanh bằng công nghệ plasma, xử lý sau thu hoạch, xử lý môi trường chăn nuôi, tạo đột biến gene có chọn lọc…