Cứu sống một trẻ thừa cân suy hô hấp vì Covid-19
Bệnh nhi L.T.N.T. (Ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) được trung tâm y tế chuyển đến Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, trong tình trạng khó thở tím tái.
Khai thác bệnh sử ghi nhận em T. đã bệnh 3 ngày, sốt cao, ho sổ mũi, khò khè, khó thở mệt, nên nhập trung tâm y tế. Kết quả xét nghiệm RT-PCR cho thấy, em và mẹ đều dương tính với SARS-CoV-2 nên được sơ cấp cứu thở oxy và chuyển Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
Bệnh nhi mới 14 tuổi nhưng cân nặng tới 90kg, dễ bị nặng khi mắc Covid-19. |
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán Covid-19 nặng, nguy kịch và được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nên được đặt nội khí quản thở máy.
Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, xét nghiệm máu của bệnh nhi cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh nên được hội chẩn truyền thêm kháng thể miễn dịch và xem xét lọc máu liên tục và thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nếu tình trạng hô hấp không cải thiện.
Số mắc Covid-19 ở trẻ em chiếm 10 - 15% tổng số trường hợp Covid-19 khẳng định bằng xét nghiệm PCR dương tính. |
Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở chống loét. Kết quả sau gần 2 tuần thở máy với các thông số thích hợp, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần được cai máy thở, sau đó tự thở được và xuất viện sau 3 lần xét nghiệm PCR âm tính.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhi mới 14 tuổi nhưng cân nặng tới 90kg, gây khó khăn cho điều trị như điều chỉnh lượng thuốc và dịch truyền phù hợp tránh quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, cũng như thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan cũng khô đàm tắc đàm đường hô hấp. Có thể, béo phì là một trong những yếu tố gây nặng trên bệnh nhi Covid-19 song hành cùng các yếu tố bệnh nền khác ở trẻ em.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiến phức tạp, trẻ em mắc Covid-19 cũng gia tăng, chiếm 10 - 15% tổng số trường hợp Covid-19.
Do đó, phụ huynh lưu ý khi thấy con em mình sốt ho, đau rát họng, khó chịu... hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám làm xét nghiệm sàng lọc tầm soát Covid-19 và được điều trị thích hợp.
Chăm sóc bệnh nhi F0 tại nhà
TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn Thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, khi gia đình có trẻ em mắc Covid-19 (F0) đang ở nhà với gia đình, điều đầu tiên là hạ sốt khi trẻ sốt > 38oC (đo nách). 2 lần uống hạ sốt cách nhau 4 giờ. Nếu trẻ vẫn còn sốt cao, người lớn có thể lau ấm, tắm nước ấm hay ngâm trẻ trong bồn nước ấm trong vòng 15 phút
Tuy nhiên, TS.BS Đào Thị Yến Phi nhấn mạnh: “Sốt là một phản ứng của cơ thể, để khống chế virus và tăng hoạt động của hệ miễn dịch. Trừ trường hợp sốt cao gây nguy hiểm cần phải hạ, các trường hợp sốt nhẹ dưới 38oC không cần can thiệp, để hệ miễn dịch làm việc theo quy trình chống nhiễm khuẩn tự nhiên của cơ thể”.
Trẻ F0 cần được nghỉ ngơi, không chơi các trò chơi vận động mạnh, không la hét, không tạo điều kiện cho trẻ khóc lóc giận dỗi. Với bé lớn, nói chuyện nghiêm túc nhẹ nhàng về tình hình của gia đình và yêu cầu trẻ hợp tác. Với trẻ nhỏ, cho trẻ đọc sách, xem phim, xem ca nhạc, chơi những trò chơi ưa thích…
Trẻ F0 cần được nghỉ ngơi, không chơi các trò chơi vận động mạnh, không la hét, không tạo điều kiện cho trẻ khóc lóc giận dỗi. (Ảnh minh họa) |
“Người lớn chúng ta đành phải tạm chấp nhận một số hành vi bình thường cần hạn chế như… trẻ xả rác hay đồ chơi đầy nhà, xem ti vi dài giờ… để giữ trẻ không bị kích thích, nhất là những trẻ có tiền căn hen suyễn. Cả nhà cùng ngủ sớm, cùng ăn cháo…”, TS.BS Đào Thị Yến Phi khuyến nghị.
Chế độ ăn với một trẻ bị mắc Covid-19 gần với bình thường nhất có thể. TS.BS Đào Thị Yến Phi hướng dẫn, nếu trẻ không thích ăn kiểu bình thường, cha mẹ có thể cho ăn cái gì đó mà trẻ chấp nhận như sữa, bánh, mỳ gói, cơm trắng chan nước tương, ngũ cốc, cháo… và không tính toán nhu cầu dinh dưỡng trong thời gian này. Nếu bé nôn ói, bỏ luôn bữa ăn đó cho bé đi ngủ, bữa sau ăn lại ít và nhẹ hơn.
Trẻ lớn tập súc họng bằng nước muối cùng ba mẹ nhiều lần trong ngày, bé nhỏ chưa biết súc thì nhỏ nước muối sinh lý làm vệ sinh mũi cho sạch sẽ nhầy đàm.
Đối với cha mẹ cũng đang là F0, nên phải hiểu chuyện mình phải sống sót, con mới sống sót được, vì vậy cũng cần chăm sóc bản thân bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi cho chính mình, giảm stress, lo âu.