Tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà khi mắc Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Để tự chăm sóc tại nhà khi mắc Covid-19, chúng ta cần phải được trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.

Chăm sóc phải đảm bảo an toàn

Theo hướng dẫn điều trị mới nhất của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ điều trị tại nhà sau khi đã điều trị ở bệnh viện ít nhất 10 ngày và có ít nhất 2 lần xét nghiệm âm tính hoặc tải lượng virus rất thấp (CT≥30) và người bệnh sẽ phải cách ly và theo dõi tại nhà tiếp tục 14 ngày. Khuyến cáo này hiện đang áp dụng cho các tỉnh có lượng bệnh nhân đông và quá tải y tế, các tỉnh khác nếu chưa quá tải y tế thì bệnh nhân mắc Covid-19 nên được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện cho đến khi khỏi bệnh.

Chăm sóc F0 tại nhà.

Chăm sóc F0 tại nhà.

Mục tiêu đầu tiên khi tự chăm sóc sức khỏe tại nhà là người bệnh và người chăm sóc phải an toàn cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn:

1 - Người bệnh nên ở trong một phòng riêng biệt, nếu không đáp ứng được điều này thì họ cần ở một phần của căn nhà và hạn chế di chuyển xung quanh. Ngoài ra, nên giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2m và luôn mang khẩu trang. Phòng ở phải thông gió tốt, luôn mở cửa sổ.

2 - Chỉ nên có một người chăm sóc cho bệnh nhân và người chăm sóc đó không được có bệnh lý nền và tốt nhất là những người đã được tiêm văcxin.

3 - Bất cứ lúc nào bệnh nhân và người chăm sóc đều phải đeo khẩu trang. Ngay sau khi người chăm sóc rời khỏi phòng, họ cần đảm bảo phải rửa tay sạch bằng nước với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

4 - Người bệnh cần có những dụng cụ sinh hoạt riêng như bát đũa, cốc, khắn tắm… riêng

5 - Bất kỳ bề mặt mà người bệnh thường xuyên tiếp xúc phải được làm sạch và khử trùng hằng ngày. Rác thải của bệnh nhân phải được đóng gói an toàn và bỏ vào nơi thích hợp.

6 - Nghiêm cấm việc người thân đến thăm nom trong thời gian bị bệnh.

Sớm phát hiện triệu chứng nặng

Mục tiêu thứ hai khi bệnh nhân chăm sóc tại nhà là họ phải phát hiện được sớm các triệu chứng nặng để được thăm khám chăm sóc bởi bác sĩ và nhập viện.

Triệu chứng thường gặp của người bệnh.

Triệu chứng thường gặp của người bệnh.

Khi chăm sóc người bệnh tại nhà, điều quan trọng nhất là phải theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Tốt nhất, người bệnh nên được thăm khám mỗi ngày một lần và bất cứ lúc nào có triệu chứng bất thường:

- Khó thở, đau ngực, cảm giác hụt hơi hoặc thở nhanh hơn bình thường khi ngồi yên.

- Khó khăn hoặc không thể làm những việc sinh hoạt bình thường trước đây.

- Đi bộ cảm giác chóng mặt, khó thức dậy khỏi giường.

- Nhịp thở > 20 chu kỳ/phút, mạch >100 chu kỳ/phút.

- SpO2 ≤ 94% nếu có máy đo SpO2 tại nhà.

- Đối với người lớn tuổi thì ngoài cảm giác lâng lâng, mệt mỏi, lú lẫn cũng cần phải lưu ý.

- Đối với trẻ em, triệu chứng nặng thường sẽ khó phát hiện hơn, chúng ta phải quan sát các đặc điểm như quấy khóc tăng, lừ đừ, bỏ ăn, biểu hiện tím môi, mắt trũng do mất nước điện giải…

Và việc quan trọng là bệnh nhân cần được đánh giá độ bào hòa oxy (SpO2): Điều này thực sự cần thiết để bổ sung thông tin theo dõi hằng ngày, người bệnh nên có một máy đo độ bão hòa oxy cầm tay.

- Nên kẹp vào ngón tay ấm và chờ đủ thời gian để các thông số trên máy ổn định.

- Máy thường sẽ hiện chỉ số mạch và SpO2, thông thường màu chỉ số SpO2 là màu xanh.

- Đồi với bất kỳ bệnh nhân có độ bão hòa oxy ≤ 94% cần phải liên hệ với cơ quan y tế ngay.

- Đối với bệnh nhân SpO2 > 94% tiếp tục đánh giá theo dõi.

- Người bệnh nên kẹp theo dõi SpO2 3 lần/ngày hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Lưu ý: SpO2 không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá mức độ nặng của bệnh. Vì thế, nên có 1 bác sĩ thăm khám cho mình hằng ngày trực tiếp hay gián tiếp qua gọi video là tốt nhất.

Chế độ ăn uống nghỉ ngơi

Người bệnh nên có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, thêm hoa quả và rau xanh, uống đủ nước, bổ sung nước điện giải trong trường hợp có nôn hay tiêu chảy. Cần tránh đọc những tin tức nhiều, đặc biệt là về dịch bệnh, tránh stress, nghe nhạc, tạo tinh thần thư thái và ngủ đủ giấc. Không nên nằm nhiều tại giường, có thể đi lại trong phòng, nằm đầu cao, nằm nghiêng.

Những thuốc thường ngày nên có trong tủ thuốc của gia đình:

- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Thuốc có thành phần là Paracetamol như Panadol, Efferalgan… chỉ dùng khi sốt cao, hoặc đau nhiều, liều lượng 10 - 15mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau ít nhất 4 giờ, trẻ con không quá 60mg/kg/ngày. Quá liều thuốc gây hại cho gan.

- Các thuốc khác như thuốc dị ứng (các thuốc kháng histamine), thuốc giảm ho, oresol, nước muối sinh lý (Nacl 0.9%).

- Những người bệnh có bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm gan virus, hen suyễn… cần tiếp tục duy trì thuốc điều trị hằng ngày.

- Nên trang bị cho gia đình: Cặp nhiệt độ, máy đo huyết áp (nếu gia đình có người già, người bị bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp), máy đo đường máu (nếu người nhà có người mắc bệnh tiểu đường).

Ngoài dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, đau nhiều theo hướng dẫn, không nên dùng bất cứ thuốc hay thực phẩm chức năng khi không có chỉ định của bác sĩ. Cũng không làm theo bất cứ những gì trên mạng về cách điều trị virus tránh gây hại cho bản thân.

BS Phạm Văn Phúc (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top