Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi ngày 7.000 trẻ sơ sinh tử vong, 30% do sinh non.
Kết luận sơ bộ ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự và các chuyên gia nhi khoa, dựa trên giám định pháp y bệnh nhi, nguyên nhân gây tử vong là do “sốc nhiễm khuẩn”.
Ngày 22/11, đã có 18 trẻ sơ sinh của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh được chuyển về các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị. Hầu hết các bé đều đang nghi ngờ bị nhiễm khuẩn.
PGS.TS Trần Minh Điển, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong 8 trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư có 4 bệnh nhi ở tình trạng nặng, điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly riêng một phòng. Hiện tại có 2 bé thở máy, 2 bé tự thở oxy, hô hấp, tuần hoàn đang trong tầm kiểm soát.
Hiện đã có kết quả cấy vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa. Hy vọng với sự điều trị tích cực, kháng sinh mạnh nhất, cộng với thuốc tăng cường miễn dịch, tính mạng trẻ sẽ ổn định.
TS Phạm Xuân Tú, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt – Pháp cho biết, đối với trẻ sinh non, đa phần các cơ quan chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, sự miễn dịch yếu nên thường phải chăm sóc trong lồng kính có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn trẻ sinh đủ tháng.
Khi sinh ra non tháng, mọi chức năng trong cơ thể bé đều chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là chức năng hô hấp. Bé dễ bị xẹp phổi, vì vậy nếu được tiêm thuốc hỗ trợ phổi trước khi mổ lấy thai ra bé sẽ khỏe mạnh hơn, có khả năng chống đỡ với môi trường tự nhiên tốt hơn, giảm được phần lớn số trẻ bị suy hô hấp và hạn chế số trẻ bị tử vong.
Để phát hiện ra nhiễm khuẩn của trẻ không phải dễ, bởi nó đôi khi nó không có những triệu chứng điển hình, có những trẻ chỉ là bỏ bú, rối loạn nhiệt độ, vàng da. Bác sĩ và người nhà cần theo dõi cẩn thận mới phát hiện sớm được.
Quá trình nhiễm khuẩn có thể xảy ra do nhiễm khuẩn bệnh viện, khâu vô khuẩn khi đẻ, xông, truyền. Đặc biệt đối với trẻ sinh non khi đặt nội khí quản thì vấn đề chăm sóc cần cẩn thận hơn, vô trùng từ dụng cụ nhỏ nhất như kim, truyền…
Một cuộc đẻ bình thường đối với trẻ đủ tháng được về với mẹ luôn thì ít khi nhiễm khuẩn, nhưng đối với trẻ đẻ non nếu bị sốc nhiễm khuẩn cùng với rối loạn vận mạch, lúc này các cơ quan nội tạng đều suy, lúc này điều trị sẽ rất khó khăn, trẻ đẻ non khó đáp ứng được, đòi hỏi nhiều biện pháp phối hợp.
P.Hằng (ghi)