Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ 8: U nhầy nhĩ trái gây đột tử

(khoahocdoisong.vn) - Những người ở độ tuổi 56 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh u nhầy nhĩ trái, nhưng hiện gặp nhiều ở lứa tuổi đôi mươi. Bệnh có biểu hiện rất mơ hồ, thậm chí triệu chứng đầu tiên là đột tử nên rất nguy hiểm.

Chết mà không biết bệnh

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, u nhầy nhĩ trái là một bệnh lý rất nguy hiểm với những biến chứng nặng nhưng triệu chứng bệnh lại rất mơ hồ, có trường hợp không có triệu chứng cho đến biểu hiện đầu tiên là đột tử. Vì vậy, không ít người tử vong mà không biết bệnh.

Trường hợp đáng tiếc nhất là một cô giáo trẻ (25 tuổi, Hà Nội). Cô thường xuyên đi kiếm tra sức khỏe định kỳ nhưng không siêu âm tim. Trong một lần đang giảng bài trên lớp cô bị gục ngã. Khi vào viện cấp cứu thì nửa thân người đã tím đen. Kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy cô bị u nhầy ở tim và một phần khối u ở tim bung ra làm tắc mạch máu. Do nhập viện quá muộn nên người bệnh đã không qua khỏi.

May mắn hơn là trường hợp chị Nguyễn Thị Đ. (35 tuổi, Vĩnh Phúc) đang đi khám phụ khoa tại Bệnh viện E thì có biểu đau ngực, khó thở dữ dội... Chị được đưa ngay vào khoa cấp cứu và phát hiện u nhầy nhĩ trái kích thước lớn bịt hết van tim, chạm vào thành tim, tụt xuống thất trái. Đặc biệt, khối u di động nhiều, dễ vỡ, cản trở hoàn toàn đường vận chuyển máu vào tĩnh mạch phổi xuống thất trái dưới, khiến máu không về được tim, gây khó thở, phù phổi cấp... Tính mạng bệnh nhân được tính từng phút. Bệnh nhân được đưa ngay vào phòng phẫu thuật mổ lấy hết u nhầy.

Theo công bố tại các trung tâm tim mạch, trường hợp cắt u nhầy nhĩ trái đầu tiên thành công ở Việt Nam là ở bé gái 14 tuổi với chẩn đoán nhầm là hẹp van hai lá tiến hành mổ tim kín, phát hiện ra u nhầy sau đó chuyển sang mổ tim hở với máy tim phổi. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi 51 - 60 nhưng hiện đã phát hiện nhiều ở những người 20 – 30 tuổi, thậm chí ở trẻ 11 tuổi và bé nhỏ tuổi nhất là 11 tháng tuổi. Tuy siêu âm tim đã được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán các bệnh tim mạch nói chung và bệnh u nhầy nhĩ trái nói riêng. Tuy vậy, vẫn còn những bệnh nhân tử vong do u nhầy nhĩ trái không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Phẫu thuật 3D mổ tim tại Bệnh viện E.

Phẫu thuật 3D mổ tim tại Bệnh viện E.

Triệu chứng mơ hồ, đột tử nhanh chóng

GS.TS Lê Ngọc Thành phân tích, u nhầy nhĩ trái là loại u không ung thư nằm trong buồng nhĩ trái. Khối u phát triển từ vách ngăn của hai tâm nhĩ (vách liên nhĩ). Đây là loại u xuất phát tại tim (u nguyên phát) hay gặp nhất, trong đó 75% u nhấy nằm ở tâm nhĩ trái, 25% nằm ở tâm nhĩ phải. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi cả nam và nữ nhưng có tới 75% bệnh nhân u nhầy nhĩ trái là nữ,

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, u nhầy nhĩ trái nói riêng và u tim nói riêng là loại khó chẩn bệnh. Một số dấu hiệu như tiếng thổi ở tim (hay gặp trong u nhầy) có thể nghe thấy khi khám lâm sàng. Một vài trường hợp không có triệu chứng được phát hiện khi kiểm tra X-quang định kỳ thấy bóng tim to. Có thể tiến hành ghi điện tâm đồ, làm siêu âm tim và thông tim (trong một số trường hợp) để chẩn đoán xác định.

Triệu chứng thường gặp là khó thở khi gắng sức (75%). Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể khó thở phải nằm đầu cao, những cơn khó thở kịch phát về đêm và nặng nhất là phù phổi cấp. Đặc biệt, 20% trường hợp có thể xảy ra ngất, nguyên nhân là u tạm thời làm bít tắc lỗ van 2 lá làm cho máu không thể lưu thông xuống tâm thất trái và đi ra ngoài nuôi cơ thể được, nhất là não. 15% bệnh nhân u nhầy nhĩ trái có thể đột tử. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc nhồi máu não do một phần khối u bung ra và trôi theo dòng máu làm tắc mạch máu đến tim và não.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, khi được chẩn đoán u nhầy nhĩ trái, bệnh nhân cần phẫu thuật để lấy sạch u nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm mà u có thể gây ra. Trước đây, để phẫu thuật u nhầy, các bác sĩ phải tiến hành biện pháp mổ mở với vết mổ rất dài từ 20 - 25cm và phải cưa xương ức, không chỉ gây sẹo xấu, đau nhiều sau mổ mà còn có nguy cơ viêm xương ức. Hiện nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã ứng dụng nội soi 3D trong mổ lấy u, các dấu vết để lại chỉ là các vết sẹo nhỏ 1 - 1,5cm ở các góc khuất cơ thể. Đặc biệt, sau phẫu thuật lấy u bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top