Sáng nay (31/1), Quản lý thị trường Hà Nội đã đến kiểm tra chợ thuốc Hapulico (phố Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết không tăng giá bán quá cao.
Tuy nhiên, ngay khi quản lý thị trường kiểm tra, hàng trăm người dân đổ xô tới đây mua khẩu trang tạo nên cảnh chen lấn, xô đẩy. Lượng người mua quá đông, cán bộ quản lý thị trường thậm chí thành người bán hàng, hỗ trợ các quầy. Giá bán mỗi hộp khẩu trang y tế 3 lớp là 100.000 đồng một hộp và mỗi người chỉ được mua 1-2 hộp vì cạn hàng. Mức giá này vẫn cao gấp đôi so với ngày thường.
Dòng người đổ xô tới chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) tìm mua khẩu trang, sáng 31/1 còn Quản lý thị trường thành người bán hàng hộ.
"Chúng tôi vừa phải vận động họ bán ra, vừa phải hỗ trợ họ bán, để người dân có thể mua được khẩu trang lúc này, khi trong kho không còn nhiều hàng", ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết.
Ông kiểm tra sổ sách nhập hàng của các tiểu thương ở đây, giá nhập của các quầy thuốc tăng nhiều so với thời điểm trước Tết và nhà cung cấp cũng từ chối cung cấp vì không sản xuất kịp.
"Cung hiện lớn hơn cầu. Nhà sản xuất cũng không sản xuất kịp để cung cấp mặt hàng này nên giá nhập cao hơn trước. Tuy nhiên chúng tôi yêu cầu các chủ quầy hàng không được tăng giá quá đà", ông Kiên chia sẻ.
Quản lý thị trường cho biết hầu hết cửa hàng không niêm yết giá, một số cơ sở đã bị lập biên bản vi phạm hành chính. Bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh người dân đang hầu như không quan tâm đến vấn đề có bán đúng giá hay không. Do đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu họ lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có.
Tại các cơ sở kinh doanh khác, nếu phát hiện hiện tượng đầu cơ, thổi giá lên quá cao cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các địa phương xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.
Trường hợp phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nhiều loại khẩu trang y tế được bán đắt gấp 2-3 lần, thậm chí có loại tăng giá gấp 4-5 lần nhưng cũng không còn hàng. Một số hiệu thuốc chỉ bán cho mỗi người mua một hộp, hoặc 10 chiếc. Mỗi hộp khẩu trang nhãn hiệu Tanaphar trước đây giá 25.000-30.000 đồng một hộp 20 chiếc, hôm qua (30/1) tăng lên 75.000 đồng và tới chiều nay thậm chí "nhảy" lên 300.000 đồng.
Đến 12h00 ngày 30/1, thế giới đã ghi nhận 7.819 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong (162 trường hợp tử vong tại Vũ Hán, Trung Quốc).
Tại Việt Nam, đến 15h20 ngày 30/1 đã có 5 trường hợp nhiễm virus Corona (nCoV) trong đó có ba người trở về từ Vũ Hán và hai bố con người Trung Quốc điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. Người con điều trị kết quả tốt, đã cho kết quả âm tính; còn người bố trên nền K phổi, đái tháo đường, cao huyết áp, thể trạng, cơ địa phòng, chống dịch bệnh yếu hơn nên xét nghiệm vẫn dương tính.