Hỏi: Trên thị trường, mỗi viên kim cương bán ra đều có giấy kiểm định đi kèm. Nhưng có trường hợp mua phải kiem cương có giấy kiểm định giả. Vậy phải làm sao để tránh mua phải kim cườn giả?
Lê Hoài Liên (Hà Nội)
Theo anh Phan Trung Hiếu, chủ một cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội): Có một đặc điểm của giấy kiểm định mà ít người để ý là mã vạch. Muốn biết giấy kiểm định đó có đúng hay không, chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp lại mã vạch để đăng nhập hệ thống quản lý giấy kiểm định. So sánh với giấy kiểm định mình có, nếu thấy có bất cứ chi tiết nào, dù nhỏ nhất (kể cả dấu chấm dấu phẩy) không giống với giấy kiểm định lưu trữ trong hệ thống, thì đó là giấy kiểm định giả. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có rất nhiều phòng kiểm định độc lập, người mua hoàn toàn có thể đến đó để kiểm tra, xác định xem viên đá đó có đúng với các thông tin trên giấy hay không, loại giấy đó có đúng do một trung tâm kiểm định có uy tín cung cấp hay không.
Lưu ý là những trung tâm kiểm định thuộc các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ chịu trách nhiệm kiểm định sản phẩm do công ty đó bán ra chứ không chịu trách nhiệm các sản phẩm giao dịch bên ngoài. Nên nếu bạn mua đá quý của cơ sở nào, thì có thể đến phòng kiểm định của cơ sở đó để kiểm tra, hoặc có thể kiểm tra chéo từ các trung tâm kiểm định độc lập. Đối với loại giấy kiểm định đi kèm niêm phong viên đá, người ta thực hiện ép nhiệt để không thể cạy được viên đá ra một cách thủ công. Kiểm tra nếu có dấu hiệu của việc đã lấy viên đã ra thì có thể khẳng định viên đá đó là rởm.