Tránh bị lừa khi mua sâm Ngọc Linh

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều loại củ có hình thức rất giống nhưng không phải là sâm Ngọc Linh, được các đối tượng trà trộn, bán với giá cao cho người không phân biệt được sâm Ngọc Linh thật và rởm.

Tam thất, điền trúc gắn mác sâm Ngọc Linh

Vào lúc 4 giờ ngày 1/3, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đăk Tô phát hiện vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện. 

Số hàng trên được gửi từ xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc vào thả dọc trên đường. Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2  củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ, còn lại là các củ nhỏ. Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết, đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô, "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng.

Huyện Đăk Tô là địa bàn nóng về tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả. Theo đó, đối tượng buôn lậu thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc (rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum) từ các tỉnh ngoài miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum bán cho người tiêu dùng. Việc làm trên ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiện sâm Ngọc Linh Kon Tum đang bước vào thời kỳ ngủ đông (rụng lá, cây bắt đầu ra lá mới) nên không có các loại cây, lá như lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt giữ.

Sâm Ngọc Linh được gọi là “quốc bảo” nên thời gian qua nhiều tư thương đã lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. ThS Trần Út, Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, trên thị trường hiện nay, sâm Ngọc Linh giả thường là một trong ba loại sau. Loại thứ nhất khá cao cấp, chưa có định danh chính thức nên được tạm gọi là sâm 1A, cùng thuộc chi nhân sâm, có ADN gần giống với sâm Ngọc Linh. Loại thứ hai là tam thất hoang cũng chi nhân sâm nhưng giá trị và tác dụng không thể so với sâm Ngọc Linh thật. Loại thứ ba là củ ráy – loại cây mọc phổ biến ở vùng núi có khí hậu nóng ẩm, khu vực Tây Nguyên.

Nhận biết thật – giả

ThS Trần Út cho biết, sâm Ngọc Linh tự nhiên mỗi năm chỉ mọc 1 thân, củ sâm có rất nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào trong và có vị trí so le với nhau. Nếu dùng dao cắt thành lát mỏng thì có thể thấy phần bên trong củ có màu vàng nhạt, còn phần thân hơi tím hoặc có màu xám nhạt. Trong khi đó, củ tam thất sẽ có mắt hình tròn, nông, lõm mắt và mắt mọc thẳng, dài ngoằng. Sâm Ngọc Linh thật có u cục ở gốc, vỏ sâm sần sùi, lõi sâm có màu vàng hoặc tím đậm, tím sẫm. So với sâm giả từ củ tam thất hoang, khi sờ sẽ thấy vỏ nhẵn nhụi, ít u và có màu trắng.

Sâm thật có mùi thơm nồng rất đặc trưng, dễ nhận biết. Sâm Ngọc Linh có vị đắng gắt, dư vị ngọt, thanh, giòn và không có xơ. Ngược lại, củ tam thất khi ăn sẽ thấy sồn sột, dai, vị ngái, nóng rát ở cổ. Sâm Ngọc Linh lâu năm sẽ có điểm thắt, mọc không đều, củ hơi gầy. Nếu là sâm giả, củ sẽ đồng đều hơn, có điểm thắt, màu nhạt, mờ và nhẵn. Lá của cây sâm Ngọc Linh mỏng, có răng cưa và đều, mỗi tán gồm 5 lá.

“Cùng với biến đổi khí hậu, sâm Ngọc Linh ngày càng hiếm, giá sâm lên cao. Hiện lá sâm tươi bán được tám triệu đồng/kg, một hạt giống có giá 80.000đ, cây giống có giá 300.000đ, sâm củ có giá từ 60 - 120 triệu đồng/kg. Đây là cơ hội để sâm giả xâm nhập thị trường. Khách hàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sâm, nhưng khó biết chính xác sâm Ngọc Linh hay tam thất hoang hoặc sâm Lai Châu khi từ củ, lá đến hoa đều tương tự nhau. Thực tế, hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh được kiểm nghiệm lên đến 52 loại, là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất thế giới. Trong khi ở tam thất, sâm Lai Châu hàm lượng này rất thấp”, ThS Trần Út cho hay.

Theo KH&ĐS
back to top