Phụ huynh không nên để mất bình tĩnh
Trong tình hình lây nhiễm nhanh chóng của chủng Delta so với các chủng khác, tất cả các đối tượng trong xã hội đều phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Nhiều thống kê cho thấy, tỉ lệ nhiễm ở trẻ tăng lên đến hơn 27%.
Tất cả các đối tượng trong xã hội đều phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19, không phải chỉ riêng trẻ em và phụ nữ mang thai. |
Điều này gây tâm trạng bất an cho nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn lại, nếu đánh giá chung trong toàn thể dân số mắc Covid-19 hiện nay, tỷ lệ chung của trẻ em vẫn ở mức thấp, cả về sự chuyển biến nặng và tử vong cũng chỉ ghi nhận rải rác. Do đó, đây vẫn không phải là nhóm đối tượng chịu hậu quả nặng nề từ căn bệnh. Trẻ em và phụ nữ mang thai vẫn được xếp vào nhóm đối tượng ít có nguy cơ cao trở nặng, tương tự như những người trưởng thành khỏe mạnh. Tất nhiên, cái gì cũng sẽ có ngoại lệ.
Nếu bé sinh ra đã nhẹ cân hoặc thiếu tháng, chậm phát triển, có những bệnh lý bẩm sinh đi kèm (như bệnh tim bẩm sinh, các rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt enzym), có mắc các bệnh hô hấp đang điều trị như hen, viêm tiểu phế quản hoặc trẻ bị béo phì... chúng ta có thể xem như trẻ cũng đang có sẵn “bệnh nền”.
Trẻ em phần lớn vẫn được xếp vào nhóm đối tượng ít có nguy cơ cao trở nặng, tương tự như những người trưởng thành khỏe mạnh. |
Đây chính là những trường hợp cần theo dõi và chăm sóc cẩn thận khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Ở nhóm phụ nữ mang thai cũng vậy, nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trong thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, suy thai, đa ối, thiểu ối… mới là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ trở nặng và ảnh hưởng đến thai kỳ khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Do đó, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ vấn đề để không phải mất bình tĩnh khi chăm sóc cho các bé nhiễm bệnh. Trẻ em luôn cần được quan tâm trong mọi trường hợp, tuy nhiên nếu quá căng thẳng, các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng mắc phải các “bẫy thông tin” trên mạng xã hội, dẫn đến áp dụng nhiều biện pháp sai lầm, thiếu cơ sở khoa học, gây tổn thương thêm cho tình trạng bệnh của các bé.
Cách chăm sóc cho trẻ nhiễm Covid-19 tại nhà
Trong việc chăm sóc cho trẻ nhiễm bệnh, cần tập trung vào 2 vấn đề chính là điều trị triệu chứng thông thường và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng để nhập viện đúng thời điểm.
Đa số trẻ em khi mắc Covid-19 sẽ có các biểu hiện nhẹ tương tự như cảm thông thường, bao gồm sốt, ho, đàm, thậm chí quấy khóc và chán ăn. |
Đa số trẻ em khi mắc Covid-19 sẽ có các biểu hiện nhẹ tương tự như cảm thông thường, bao gồm sốt, ho, đàm, thậm chí quấy khóc và chán ăn... điều trị tương tự như khi cảm cúm.
Chúng ta có thể hạ sốt bằng paracetamol dạng gói hoặc viên nhét hậu môn (100mg, 250mg) cho trẻ còn nhỏ tuổi, liều lượng theo cân nặng. Trẻ lớn có thể dùng paracetamol 500mg dạng viên uống như người lớn. Các loại siro ho trẻ từng sử dụng đều dùng được để long đàm, giảm ho.
Các bé nào đang có “bệnh nền” như tim bẩm sinh, hen suyễn… vẫn tiếp tục các điều trị các bệnh đang có, không nên cắt thuốc này vì lý do phải chăm sóc Covid-19. Nếu không tự tin, người chăm sóc trẻ có thể nhờ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế địa phương hoặc bác sĩ nhi khoa mà trước đây bé hay đến khám.
Các biểu hiện ở trẻ thường hết nhanh hơn ở người lớn, chỉ sau khoảng 3 - 4 ngày là các bé sẽ khỏe lại và không cần thêm bất kỳ điều trị chuyên sâu nào khác.
Anh Lê Trọng Nhân (TPHCM) và cô con gái nhỏ trong giai đoạn mắc bệnh Covid-19, cả hai vẫn giữ được sự bình tĩnh và lạc quan. |
Một vấn đề quan trọng cần tránh là các bậc cha mẹ không nên sao chép toa trên mạng xã hội để điều trị Covid-19 cho con, nhất là việc áp dụng các thuốc điều trị kháng viêm như corticoid, ivermectin, các loại kháng sinh không cần thiết như clarithromycin, doxycycline… Việc sử dụng các thuốc này khi trẻ nhiễm bệnh không mang lại lợi ích, ngược lại có thể gây tổn thương thêm cho cơ thể các bé.
Các trẻ mắc Covid-19 cũng thường hay kèm rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy do sự xâm nhập của virus qua đường tiêu hóa. Các bậc cha mẹ nên lưu ý và để dành sẵn trong nhà các thuốc tiêu chảy cơ bản như gói oresol pha uống bù dịch và men vi sinh tiêu hóa để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi tại đường ruột.
Trẻ cần được nhập viện khi có những dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi do SARS-CoV-2 như thở nhanh hoặc thở rút lõm, thay vì lồng ngực nâng lên thì sẽ lõm xuống khi hô hấp. Những dấu hiệu khác như quấy khóc tăng lên hoặc bỏ bú, bỏ ăn cũng cần được theo dõi cẩn thận và báo cho y tế để kịp thởi xử lý. .
Chỉ có sự bình tĩnh mới giúp chúng ta sáng suốt trong xử lý các vấn đề, giúp bản thân trẻ và cả gia đình mau chóng lành bệnh và bình an suốt mùa dịch Covid-19. |
Bên cạnh Covid-19, các bậc phụ huynh còn cần biết thêm những bệnh khác cũng có biểu hiện ban đầu tương tự như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phế quản… Đây là những bệnh trẻ hay mắc trong cộng đồng trước đây và nếu chúng ta chỉ lo ngại Covid-19 mà bỏ qua các nguyên nhân này cũng gây chậm trễ trong quá trình chăm sóc cho trẻ.
Các bậc phụ huynh cần giữ sự bình tĩnh trong mọi trường hợp, nhờ sự trợ giúp từ những người có chuyên môn khi cần thiết. Chỉ có sự bình tĩnh mới giúp chúng ta sáng suốt trong xử lý tất cả các vấn đề, giúp bản thân trẻ và cả gia đình mau chóng lành bệnh và bình an.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý Bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM)