Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên động vật của các tác giả Trung Quốc và Nhật Bản, ngoài các tác dụng dược lý hết sức phong phú như điều tiết hệ thần kinh, giảm áp, hạ mỡ máu, chống ngưng tập tiểu cầu, chống phóng xạ và ung thư, kháng khuẩn và virus, chống oxy hoá và quá mẫn, cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể…, lá chè xanh còn có tác dụng làm giảm đường huyết.
Trên chuột nhắt trắng khi dùng alloxan gây hoại tử tế bào tuyến tuỵ thì đường huyết sẽ tăng gấp đôi, nếu kết hợp dùng chè xanh với liều 10g/kg và alloxan thì đường huyết không tăng, chứng tỏ lá chè xanh ức chế được sự tăng đường huyết của alloxan. Trên thỏ bình thường, dùng lá chè với liều 1,5g/kg đường huyết giảm khoảng 50 - 60%. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào sử dụng độc vị chè xanh để trị liệu bệnh tiểu đường trên cơ thể con người.
Trong mươi năm gần đây, người ta truyền nhau rằng lá cây hoàn ngọc là “thần dược”, có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau trong đó có bệnh tiểu đường. Nhưng, theo những tài liệu dược học hiện đại và cổ truyền mà chúng tôi có dưới tay thì chưa thấy tài liệu nào ghi lại tác dụng hạ đường huyết của cây thuốc này ngoài các tác dụng như kháng khuẩn, kháng nấm, có hoạt tính thuỷ phân protein, bảo hộ tế bào gan, ức chế men monoaminoxydase (MAO)…Có thể việc dùng lá cây hoàn ngọc trị chữa bệnh tiểu đường mới dừng ở phạm vi kinh nghiệm dân gian.
Bởi vậy, theo chúng tôi, người bệnh tiểu đường có thể dùng hai loại lá này để trị bệnh nhưng chỉ ở phạm vi hỗ trợ chứ không nên sử dụng đơn độc, nghĩa là phải dùng kết hợp với tân dược. Khi dùng nếu có hiệu quả tốt thì có thể giảm dần liều thuốc Tây, thậm chí có thể cắt thuốc Tây, nhưng nhất thiết phải có ý kiến của các thầy thuốc có chuyên khoa.
Theo kinh nghiệm dân gian, với lá chè xanh mỗi ngày dùng 1 nắm (chừng 50 - 60g) rửa sạch, vò nát rồi hãm hoặc sắc lấy nước uống trong ngày. Cũng có người cho rằng nên sắc thật đặc uống 1 lần; với lá hoàn ngọc, mỗi ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 7 lá, rửa sạch, ăn sống. Cũng có người cho rằng, nam giới nên dùng 7 lá, nữ giới dùng 9 lá nhưng không có căn cứ khoa học cụ thể.
BS Khánh Hiển (Bệnh viện T. Ư Quân đội 108)