TPHCM: Nhiều dự án biến không gian sông Sài Gòn là “của riêng”

(khoahocdoisong.vn) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá bờ kè sông Sài Gòn là một tài nguyên lớn của thành phố, nhưng đang xuất hiện tình trạng bị lấn chiếm do thiếu quy hoạch.

Thi nhau “chiếm hữu” bờ sông

Đến nay, UBND TPHCM đã ban hành 2 quyết định là 150/2004 và 22/2017 về quản lý và sử dụng hành lang ven bờ sông suối, kênh rạch. Tuy nhiên, việc sử dụng, quản lý còn nhiều khiếm khuyết. Mới đây, Chủ tịch UBND TP đã đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đi ca nô dọc sông Sài Gòn để thấy dự án Tân Cảng lấn ra sông “rất không hay”.

Đứng đầu bảng danh sách lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) với 13 công trình nhà ở chỉ cách mép nước 7,5 m. Xếp thứ 2 là Công ty TNHH Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m; đáng nói công trình nhà ở vi phạm của công ty này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.

Tiếp đến là các công ty gồm: Công ty TNHH Hải Vương; Công ty TNHH XD Thế Minh; Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera; Công đoàn Công ty Thép Miền Nam; Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình; Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng; Công ty Cổ phần Eden....

Năm 2018, người dân tại khu vực phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức phản ánh, công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn tại khu dân cư - công viên giải trí Hiệp Bình Phước (có tên thương mại là khu đô thị Vạn Phúc) do Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đang có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn một cách nghiêm trọng. Trên hệ thống móng cọc bê tông này, đơn vị thi công đã sử dụng các vật liệu rắn và cát để san lấp. 

Đáng nói là trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn kể trên có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng, kể từ thời điểm ban hành quyết định cho đến nay trải qua nhiều năm, không ít chủ đầu tư vẫn không thực hiện dù các căn biệt thự đã được sang tay qua nhiều đời chủ.

Công trình của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn lấn sông nghiêm trọng

Công trình của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn lấn sông nghiêm trọng

Công tác quản lý đô thị “có vấn đề”

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng, cho biết cuối năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có báo cáo kết quả rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc tuyến sông Sài Gòn. Theo đó, cả tuyến sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7 có khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với khoảng 454ha đang được phát triển ven sông. Trong đó, có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông.

“Tình trạng lấn chiếm sông rạch để phát triển dự án nêu trên, ngoài công tác quản lý đô thị “có vấn đề”, phải chăng có một phần nguyên nhân từ việc thiếu một đồ án quy hoạch 2 bên bờ sông nhằm đảm bảo thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông? Chúng ta không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng, mà cần có kịch bản quy hoạch ven sông Sài Gòn”, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ nhận định.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng Quy hoach - Kiến trúc TPHCM cho rằng, bờ sông là tài sản chung của nhân dân, phải coi sông Sài Gòn là mặt tiền của thành phố. “Về nguyên tắc, việc các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ theo từng đoạn sẽ tạo ra hiện tượng xói lở hàm ếch rất nguy hiểm. Mặt khác còn có các ảnh hưởng liên quan đến dòng chảy. Trước giờ chúng ta chưa có quy hoạch sông Sài Gòn một cách cụ thể nên cần có những biện pháp kiên quyết để đảm bảo hành lang bảo vệ bờ sông” - ông Hòa phân tích.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, điểm nhấn đặc sắc của TP là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành và khu vực ngoại thành. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà tự nhiên ban tặng cho TP, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân TP, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.

“Hiện nay, đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, Hiệp hội đề nghị TP chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững”, ông Châu cho biết.

Ông Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông rạch. Đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. Đồng thời, cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước.

Trước đó, Lãnh đạo UBND TPHCM đã có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông, xác định quyền sở hữu để lên phương án khai thác hợp lý; đề xuất điều chỉnh phạm vi chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ theo từng đoạn, tuyến sông.

Cụ thể, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM được giao đánh giá tổng thể 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt dọc hai bên bờ sông Sài Gòn để làm rõ  điểm nổi bật về vị trí, cảnh quan và sử dụng đất của từng khu vực.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM sẽ rà soát hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông, xác định những khu vực do nhà nước quản lý, đất của người dân đang sử dụng để lên phương án khai thác hợp lý.

Sở GTVT TPHCM tổ chức lập và công bố mép bờ cao quy hoạch sông đối với các khu vực chưa công bố; đề xuất phương án điều chỉnh phạm vi chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ theo từng đoạn, tuyến sông phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top