Theo Sở Công thương TPHCM, sau hơn 15 ngày thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại, chủ yếu là bán mang đi, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân thành phố.
TPHCM hiện đang ở cấp độ dịch nguy cơ trung bình. Tỷ lệ tiêm chủng phòng Covid-19 bao phủ mũi 1 là hơn 98%, đủ hai mũi là hơn 76%.
Vì vậy, Sở Công Thương TPHCM đề xuất cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động bình thường trở lại.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đã đưa ra những điều kiện hoạt động an toàn dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nếu phục vụ tại chỗ: chỉ phục vụ ăn uống không kinh doanh bia/rượu, các hàng quán hoạt động đến trước 9h tối, không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m…
Bên cạnh đó, theo đề xuất của Sở Công Thương TPHCM, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM sẽ chủ trì, phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở thực hiện cũng như tổ chức hậu kiểm khi được phép bán phục vụ tại chỗ.
Trước đó, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) vừa gửi văn bản cho UBND TPHCM và Sở Công Thương TPHCM kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn TPHCM được mở cửa hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho biết, ẩm thực mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước.
Hiện cả nước có khoảng hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, trên 22.000 nhà hàng cà phê, bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.
Riêng TPHCM có khoảng 7.500 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống. Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, doanh thu ăn uống 8 tháng qua chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ.
Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 5 tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp ngành ăn uống phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.