Nhiều bất cập trong chăm lo cho nhân viên y tế
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế luôn có sự hợp tác, phối hợp với TPHCM để hỗ trợ lực lượng y tế về điều kiện sinh hoạt, giúp họ thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, tại các bệnh viện dã chiến như Bệnh viện Dã chiến Bình Chánh TPHCM, một bác sĩ, điều dưỡng đã điều trị, chăm sóc cho khoảng 150 người bệnh.
“Ca trực quá dài. Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng kéo dài 8 - 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 tiếng/ngày…”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lo ngại.
Trong khi đó, việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch.
Nhiều trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80.000đ/ngày. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh…
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 ở TPHCM đang trên đà cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc của y tế phải tốt hơn để đảm bảo giảm tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và tử vong trong số những người nhiễm Covid-19.
Đảm bảo thời gian nghỉ, điều chỉnh chế độ ăn
Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 TPHCM có các giải pháp.
Cụ thể như: Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; nhân viên y tế không may mắc Covid-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày…
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, TPHCM cũng đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho lực lượng y tế tham gia chống dịch, trong đó có chế độ phụ cấp và chế độ lưu trú.
Đối với những cơ sở y tế công lập, các bệnh viện đã chuyển đổi công năng, TPHCM đảm bảo chi phí vận hành bệnh viện, các khoản lương, phụ cấp, kể cả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Những nhân viên, các bộ, viên chức y tế tại các cơ sở không điều trị Covid-19, tình nguyện đến hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến, cũng được đảm bảo chế độ như lực lượng tại các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Để TPHCM và các địa phương sớm khống chế dịch bệnh, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã kêu gọi và điều động khoảng 17.000 y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến trung ương và 35 tỉnh thành. Đội ngũ này đang sát cánh với lực lượng y tế tại chỗ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị người nhiễm Covid-19.
Đối với những trường hợp đơn lẻ đang gặp khó khăn, Bộ Y tế đã cho một bộ phận đến kiểm tra cùng TPHCM, qua đó theo dõi, xử lý, đề ra những biện pháp giải quyết cho lực lượng y tế.
Trước đó, ngày 4/9/2021, Bộ Y tế ra công văn 7330 về tăng cường quản lý người khám bệnh, chữa bệnh gửi Sở Y tế các tỉnh thành nhằm ngăn chặn làn sóng nhiều y bác sĩ bỏ nghề trước áp lực dịch Covid-19. Theo đó, nếu y bác sĩ nào tự ý bỏ việc, vi phạm y đức, Sở Y tế địa phương tập hợp gửi về Bộ Y tế để xem xét xử lý kỷ luật hành chính hoặc tước chứng chỉ hành nghề.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống Dịch Covid-19 TPHCM đã nhấn mạnh 3 quan điểm: TPHCM xem đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm; TPHCM luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế lực lượng tuyến đầu để họ yên tâm công tác; TPHCM luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cùng chăm lo cho lực lượng này...