TP.HCM đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đợt 5. Mới đây, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 70% người trên 18 tuổi sống tại thành phố trong tháng 8.
Nói về kế hoạch này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: "Người dân TP được định nghĩa rất rộng. Người đang sinh sống tại TP.HCM đều được tiêm, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp, quy củ để việc tiêm được tổ chức nhanh nhất có thể".
Để đạt mục tiêu này, trong văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã điều chỉnh nhiều trong kế hoạch tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đợt 5 tại thành phố.
Mở rộng đối tượng tiêm chủng
Theo UBND TP.HCM, đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt 5 bao gồm tất cả người từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn. Ưu tiên tiêm chủng cho người trên 65 tuổi, Các trường hợp có bệnh lý nền mạn tính, tuyến đầu chống dịch.
Với những người ngoài các nhóm ưu tiên trên, địa phương sắp xếp tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi).
TP.HCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Những người thuộc nhóm cần thận trọng (người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền mạn tính) khi tiêm chủng được tiêm tại tất cả cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị. Những người thuộc nhóm trì hoãn từ các đợt tiêm trước cũng được sắp xếp tiêm trong đợt này.
1.200 đội tiêm vaccine cố định và lưu động
Ngoài địa điểm tại các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác), thành phố tổ chức nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.
Tại các khu phong toả, chính quyền phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác.
Đội tiêm vaccine Covid-19 tại quận 8 của Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lực lượng tham gia tiêm chủng được huy động tối đa từ y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, lực lượng y tế đã về hưu, đảm bảo sức khỏe, chuyên môn và tình nguyện tham gia chiến dịch.
Toàn thành phố có 1.200 đội tiêm, đặt mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội tiêm. Trong đợt này, thành phố không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi để phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Các địa phương có thể tổ chức buổi tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vaccine.
Địa phương toàn quyền điều phối tiêm chủng
Lãnh đạo thành phố giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giữ vai trò chủ chốt, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức tiêm vaccine trên địa bàn. Các địa phương huy động toàn bộ lực lượng y tế tại địa phương (kể cả công lập và tư nhân) để lập đội tiêm có đủ thành phần theo hướng dẫn của ngành y tế.
Người dân trên 65 tuổi tiêm vaccine tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) trong những ngày đầu triển khai chiến dịch đợt 5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài ra, các địa phương cân nhắc lựa chọn lựa địa điểm tiêm chủng cố định, lưu động đảm bảo yêu cầu về giãn cách, đồng thời đáp ứng điều kiện bố trí quy trình tiêm chủng theo quy định. Trước đó, địa phương chịu trách nhiệm lập danh sách toàn bộ người dân cư trú trên địa bàn, xếp lịch tiêm theo buổi, ngày, tổ chức tiêm cơ bản đảm bảo theo nguyên tắc người ở khu vực nào được tiêm ở khu vực đó.
Người dân thực hiện trước tại nhà việc khai báo y tế, điền các phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc tiêm chủng bằng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đang áp dụng tại TP.HCM hoặc bằng bản giấy.
Các địa phương thông báo trước thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ theo lịch hẹn, giám sát và điều phối kịp thời để người dân không tập trung đông tại một thời điểm, đồng thời đảm bảo công suất tiến độ tiêm hàng ngày theo yêu cầu.