Theo Reuters, mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng phần mềm nước ngoài trên các cơ sở hạ tầng quan trọng. Thay vào đó, các cơ quan này sẽ bắt buộc phải sử dụng các phần mềm do Nga tự phát triển.
Cụ thể, kể từ ngày hôm nay (31/3), các cơ quan thuộc bộ máy Chính phủ của Nga sẽ không được phép mua các phần mềm từ nước ngoài nếu không được sự cấp phép từ cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Nga được xác định gồm có các hệ thống thông tin và mạng viễn thông quan trọng đối với hoạt động của các lĩnh vực chính, bao gồm chăm sóc sức khỏe, công nghiệp sản xuất, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, năng lượng, khu vực tài chính và các cơ sở của thành phố.
Ngoài ra, theo quy định vừa được ban hành, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, việc sử dụng phần mềm nước ngoài tại các cơ quan này sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc các phần mềm PC phổ biến như Windows, Office hay Photoshop, vốn có xuất xứ từ Mỹ, sẽ nằm trong "danh sách đen" của Nga từ năm 2025. Như vậy, các cơ quan của Nga sẽ có khoảng thời gian gần 2 năm để thích ứng và làm quen với các phần mềm do nước này tự phát triển.
Theo truyền thông Nga, sắc lệnh nói trên được ký ban hành "để đảm bảo tính độc lập về công nghệ và bảo mật cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ” của Nga.
Trong vòng 1 tháng tới, chính phủ Nga dự kiến sẽ phê duyệt các quy định về yêu cầu đối với phần mềm được sử dụng bởi các cơ quan chính phủ tại các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, cũng như các quy tắc phối hợp mua phần mềm và dịch vụ nước ngoài.
Thời gian qua, hàng loạt công ty công nghệ lớn như Microsoft, Apple, Adobe, Google, NVIDIA, Samsung... đã tuyên bố sẽ tạm dừng hoạt động tại Nga. Đây được coi là biện pháp đáp trả của Moscow trước những động thái này.