Tôi đến với nghề báo như một sự ưu ái của cuộc đời...

(khoahocdoisong.vn) - Giai đoạn nửa cuối thập kỷ 90, đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế, giao lưu quốc tế mạnh mẽ. KH&ĐS khi đó là một tờ báo hàng đầu về khoa học, kênh phổ biến kiến thức, sân chơi của các nhà khoa học nổi tiếng cả nước. Tôi khi ấy chỉ là một sinh viên Khoa Pháp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, say mê dịch những bài viết Pháp ngữ gửi đến tòa soạn...  
Dịch giả Trương Quốc Toàn.

Dịch giả Trương Quốc Toàn.

Niềm say mê

Tôi đến với nghề làm báo như một sự ưu ái của cuộc đời khi hội tụ được đủ cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Về thiên thời, đó là giai đoạn nửa cuối thập kỷ 90, khi đất nước đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế. KH&ĐS khi đó là một tờ báo hàng đầu về phổ biến các thông tin khoa học ở Việt Nam và có nhu cầu rất lớn về khai thác các nguồn tin, bài khoa học quốc tế. Về địa lợi, phải nói thêm rằng khi tôi bắt đầu cộng tác với KH&ĐS từ năm 1996, internet chưa du nhập vào Việt Nam. Vốn là một sinh viên Khoa tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), tôi có một lợi thế rất lớn là được tiếp cận thư viện của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp (nay là Trung tâm L’Espace ở số 24 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có nguồn thông tin khoa học cập nhật hết sức dồi dào trên các tạp chí khoa học danh tiếng của Pháp như “Sciences & Vie” (Khoa học & Đời sống) hay “Sciences & Avenir” (Khoa học & Tương lai). Về nhân hòa, đó là tôi có được may mắn làm việc chung với một đội ngũ biên tập, lãnh đạo và cố vấn vô cùng tâm huyết của KH&ĐS.

Những bài dịch của tôi ban đầu chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn tầm một phần tư trang báo. Nhưng có lẽ do bén duyên nhanh với KH&ĐS nên mức độ “lấn chiếm” cứ tăng dần lên nửa trang, một trang rồi thậm chí tới hai trang lớn. Cùng với thời gian, sự đa dạng về đề tài và các lĩnh vực khoa học cũng tăng theo. Do có sẵn niềm say mê với khoa học, tôi không hề tránh né bất kỳ một lĩnh vực nào, từ hàng không vũ trụ đến công nghệ nano, cổ sinh vật học, tự động hóa, điện tử viễn thông, năng lượng sạch, giao thông thông minh và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo.

Thể loại bài đăng cũng mở rộng dần từ bài đơn lẻ đến các chuyên đề đăng trên cùng một số báo hoặc đăng dài kỳ trên nhiều số liên tiếp. Đội ngũ biên tập khi đó cũng liên tục khuyến khích tôi tìm kiếm những ý tưởng mới, những cách thể hiện khác nhau để một tờ báo vốn hay bị gán cho định kiến là khô khan vì viết về khoa học phải ngày càng trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn. Nhờ những cú hích đó mà những chuyên mục mới đã ra đời, đặc biệt là chuyên mục “Dạo quanh vườn khoa học”, nơi cập nhật liên tục những thông tin mới nhất về các phát minh, khám phá quan trọng trên toàn thế giới.

Niềm say mê của tôi với những trang báo KH&ĐS có lẽ đã lên tới đỉnh điểm khi tôi dám liều lĩnh… lấn sân sang cả mảng truyện vui khoa học, như một cách để chứng minh với bạn đọc rằng KH&ĐS không chỉ giúp mở mang kiến thức mà còn mang lại những giây phút thư giãn vô cùng sảng khoái. 

Tích lũy khối kiến thức khổng lồ

Gần 20 năm đã trôi qua kể từ khi tôi phải tạm dừng công việc dịch bài cho báo vì điều kiện công tác chiếm toàn bộ thời gian làm việc trong ngày nhưng những gì mà KH&ĐS mang đến cho tôi trong những tháng năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết thật sự rất ấn tượng. Không chỉ đơn thuần là những cơ hội được khẳng định mình, được háo hức đón nhận những đứa con tinh thần lần lượt được chuyển tới tay bạn đọc, KH&ĐS còn là một môi trường lý tưởng giúp tôi tích lũy cho mình một khối lượng kiến thức khổng lồ cả về hai mảng khoa học và đời sống, đúng như tên gọi của tờ báo. Tôi vẫn nhớ một người thầy dạy môn dịch thuật đã từng nói: “Đọc sách là một thói quen rất tốt bởi khi bạn đọc, kiến thức sẽ ghim vào đầu bạn trong một thời gian dài. Nhưng khi bạn làm dịch thuật, kiến thức đó sẽ theo bạn suốt đời, bởi trong quá trình chuyển ngữ, bạn không chỉ thu nhận kiến thức một cách thụ động mà phải động não rất nhiều, phải nhào nặn ngôn từ để những thông tin, kiến thức đó được khai sinh lần thứ hai trong một ngôn ngữ mới”.

Có một điều thú vị là rất nhiều bài báo mà tôi từng dịch cho KH&ĐS mang tính dự báo rất sớm về các tiến bộ khoa học trên thế giới trong những năm tiếp theo, thậm chí là những thập niên tiếp theo. Đến tận hôm nay, gần 20 năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một sản phẩm công nghệ mới gây sốt trên toàn cầu mà khi được trực tiếp trải nghiệm nó, tôi chợt mỉm cười và thầm nghĩ: “Món này ngày xưa mình từng dịch cho KH&ĐS rồi!”.

Giao lưu cùng độc giả.

Giao lưu cùng độc giả.

Cứ mỗi dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lại không khỏi bồi hồi nhớ về những năm tháng kỷ niệm cộng tác với KH&ĐS. Cái cảm giác hồi hộp, mong ngóng ngày báo ra sạp để được nhìn thấy những tựa đề quen thuộc mà mình đã vắt óc để lựa chọn vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua. 

Giờ đây, cậu sinh viên miệt mài trên thư viện Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp xưa đã trở thành một dịch giả, đóng góp thêm vào thư viện nhiều đầu sách. Thành công của sách “Nghệ thuật xứ An Nam” hay “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” có đóng góp một phần không nhỏ từ những năm tháng dịch viết báo. Và có lẽ, viết báo như một cái duyên, một sự ưu ái của cuộc đời để tôi đến với những bước đường lập nghiệp sau này.

Dịch giả Trương Quốc Toàn sinh năm 1976, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Luật và Khoa học chính trị, Khoa Quan hệ quốc tế, Bộ môn "Khối Pháp ngữ và Toàn cầu hóa", tại Học viện Quan hệ Quốc tế. Nguyên Trợ lý Giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam. Nguyên Biên tập viên Bản tin Tiếng Pháp – VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam (1999 - 2000). Hiện là chuyên gia tư vấn quy hoạch bảo tồn và thiết kế phát triển các phần mềm ứng dụng...

Tác giả Trương Quốc Toàn được nhiều độc giả biết đến qua 2 tác phẩm Chiến dịch Bắc Kỳ và Nghệ thuật An Nam.
 

Tác giả Trương Quốc Toàn được nhiều độc giả biết đến qua 2 tác phẩm Chiến dịch Bắc Kỳ và Nghệ thuật An Nam.

Theo Đời sống
back to top