Sao cứ khuyến khích sự học đòi?
Có người cho rằng xã hội bây giờ các chuẩn mực đã thay đổi, là người thuộc thế hệ trước, ông có buồn không?
Đúng là thế hệ chúng tôi có những chuẩn mực nhất định. Nhưng phải công nhận rằng lớp trẻ ngày nay rất thông minh, học hành đến nơi đến chốn, có nhiều điều kiện về thông tin, tiếp xúc để hiểu biết…hơn thế hệ chúng tôi.
Xã hội phát triển là nhờ vào sức trẻ. Phải tin vào sức trẻ. Có thể có những người này người kia quá khác mình, nhưng nói chung là ở họ cũng có những cái đẹp mà ở thế hệ chúng tôi chưa thể có được, đừng nghĩ là xấu cả. Cũng đừng áp đặt những chuẩn mực của thế hệ chúng tôi cho lớp trẻ. Mỗi chuẩn mực phải hợp với từng giai đoạn.
Tức là chuẩn mực cũng thay đổi?
Thế hệ của chúng tôi hồi còn học ở trường, giáo dục rất nghiêm. Hàng ngày học xong, tối phải họp kiểm điểm, hàng tuần phải viết báo và phải nghe những lời huấn thị của các thày. Nghĩ lại thì thấy quả có chỗ xơ cứng, chính anh em chúng tôi cũng có người cho như thế là “nhồi sọ”. Nhưng tạo ra được một sự chỉn chu nhất định. Học tập hay lao động cũng đều rất tự giác.
Có vẻ khuôn sáo đấy, nhưng nghĩ lại chúng tôi được như ngày nay là nhờ vào giai đoạn đó. Nhưng giờ mà bảo các bạn trẻ học theo kiểu đó thì không thể được. Không nên và không thể đòi hỏi phải như chúng tôi ngày ấy.
Tôi nghĩ những chuẩn mực như làm người phải trung thực, sống thì phải đàng hoàng, không luồn cúi… thì thời nào cũng phải coi trọng?
Tất nhiên có những chuẩn mực về khuôn mẫu con người, làm người thì cứ học những giá trị mà ông cha ta đã tích lũy, đã tổng kết, đã có được. Chỉ nói như sự khiêm tốn chẳng hạn, chúng ta đang rất cần phải học khiêm tốn của các cụ. Chứ cái gì cũng cho là mình giỏi cả, cái gì cũng muốn nhất, sao được.
Làm gì mà phải chạy đua? Tượng đài sao cứ phải to thế? Sao cứ khuyến khích cái sự học đòi, lúc nào cũng “sành điệu với sành điệu”? Người Việt Nam ta đang được khuyến khích làm sang quá, tức là cái gì cũng phải hơn cái khả năng của mình. Mất cả cái khiêm tốn, mất cái chân chất đi.
Chỉ nói trong lĩnh vực ngôn ngữ thôi, ngôn ngữ phải có chuẩn mực chứ. Đằng này lộn xộn hết cả. Những từ như “nhi đồng”, “tí hon” hay thế mà nay cứ dùng từ “nhí” là cái gì? Chính các cơ quan truyền thông nói sai. Chính các cơ quan nhà nước phá và không ai chịu trách nhiệm cả. Riêng việc phiên âm thôi đã là một vấn đề. Tiếng Việt là phải theo tiếng Việt chứ sao cứ mỗi nơi một kiểu, chỗ thì theo tiếng Pháp, chỗ lại theo tiếng Anh. Phải tập trung củng cố lại, thống nhất lại.
Lộn xộn vì quản lý, điều hành chưa tốt
Vì cái cũ thì không còn thích hợp mà cái mới thì chưa có nên mới lắm chuyện lộn xộn?
Đúng là hàng ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều chuyện đau lòng. Ta vừa xem trên TV, người lái xe ôm đánh lái xe Grab vì giành giật khách. Người ta giành giật nhau công ăn việc làm, mâu thuẫn đó là tất nhiên. Cuộc sống bắt người ta phải tranh giành.
Đừng đổ cho xã hội lộn xộn. Lộn xộn là vì chúng ta quản lý, điều hành chưa tốt. Ngày xưa, khi bắt đầu xây dựng chế độ mới thì đâu vào đấy. Bây giờ đã có một cái khuôn rồi thì cái gì ta cũng làm cho có, rất hình thức mà không thực chất. Vấn đề là người lãnh đạo phải nhìn thấy để điều chỉnh ra sao.
Nhìn một hiện tượng tiêu cực, nhiều người đã quy kết rằng đạo đức xã hội xuống cấp?
Một câu như thế thì dễ nói ra. Phê phán thì dễ lắm, nhưng nếu anh có lòng nhìn với cái sự khoan dung, thì vấn đề sẽ khác đi. Đó chỉ là cái nhất thời. Đừng đả kích, bêu riếu, nhưng cũng đừng quá khuyến khích những cái tưởng là mới. Chúng ta hiện đang khuyến khích đấy. Những lối sống khoe của kệch cỡm sao cứ được lăng xê trên truyền thông như thế. Nếu không khuyến khích thì nó sẽ tự mất đi. Chính chúng ta đang tự làm hư mình.
Theo ông, những chuẩn mực là do cuộc sống quy định hay do con người đề ra?
Do cuộc sống quy định, nhưng phải sự uốn nắn, hướng dẫn kịp thời. Chúng ta không thiếu người giỏi đâu. Rất nhiều trí thức tâm huyết, các cụ về hưu cũng rất nhiều ý kiến hay. Vấn đề là ta có biết lắng nghe, có biết tận dụng họ hay không. Chính ngày xưa ta biết tận dụng tri thức nhân dân, từ phụ nữ, thiếu niên nhi đồng, thanh niên, phụ lão…đều tham gia rất sôi nổi và hiệu quả.
Giờ vẫn đủ các ban ngành đoàn thể đó đấy chứ?
Đủ cả nhưng có hoạt động không thực chất, chỉ theo phong trào và hình thức. Tôi cũng được coi là một người trong giới trí thức, không đến nỗi không biết nghĩ, vậy mà chưa bao giờ được dự một cuộc họp tiếp xúc với đại biểu Quốc hội cả...
Ngay cả vấn đề dân chủ cũng phải thực chất. Chứ cái gì cũng theo kịch bản bầy sẵn, nhưng mà không phải vậy. Và lợi ích nhóm đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Dân chúng họ thấy cả đấy. Ông có cái nhà to như thế, con cháu ông sắp xếp vào hết chỗ nọ chỗ kia, dân người ta biết cả đấy. Nên dù ông có nói hay đến mấy, người ta vẫn không phục. Họ làm theo cách của họ.
Bớt hình thức đi cho dân được nhờ
Ông có tin là mọi thứ sẽ thay đổi?
Cuộc sống sẽ tự điều chỉnh. Vấn đề là người lãnh đạo phải biết chọn cái nào đúng nhất, có lợi cho dân nhất để làm. Quan trọng là làm gì cũng phải thực chất, bớt dần hình thức đi thì dân được nhờ. Không phải ai cũng nhận ra điều đó, nhất là khi người ta thăng quan tiến chức không phải bằng tài năng, đạo đức…
Ông có vẻ lạc quan?
Không lạc quan thì khó sống lắm. Cuộc sống là sự phát triển. Cuộc sống tự sinh ra những chuẩn mực của nó. Trong lộn xộn vẫn có luồng sáng. Tôi thấy rất nhiều người tự làm những việc có ích. Có người bỏ tiền ra xây trường, làm đường, làm bảo tàng về chiến tranh…
Nhà lưu niệm văn học Nga cũng do ông tự làm?
Tôi cũng chả nghĩ việc đó có gì to lớn đâu, cũng là thấy nhiều người đi trước làm hay mình làm theo. Cả đời gắn bó với văn hóa, văn học Nga, tôi lưu giữ được rất nhiều hiện vật (đã tổ chức được 8 cuộc triển lãm). Sau khi đi Phú Yên về thấy ông Đỗ Như Phước lập được cả một bảo tàng hữu nghị với hơn 10.000 hiện vật, ai đến cũng thấy thích nên nghĩ mình cũng có thể làm nhà lưu niệm.
Nhưng loay hoay mãi vì tiền không có nhiều. May quá, địa phương có nhà bỏ không giao cho để tôi sửa chữa sử dụng. Rồi mọi người bỏ công giúp đỡ rất nhiều, người sắp xếp, người tự nguyện đến trông coi, quét dọn... Người tốt xung quanh mình còn nhiều lắm.
Đó là vì ông may mắn gặp được người tốt?
Cái làng tôi nó thế, thấy việc tốt là mọi người xúm vào giúp. Quê tôi là một làng rất đẹp, làng Giầu (Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh). Làng tôi có nhiều luật lệ rất hay, lấy vợ lấy chồng chẳng hạn, là phải nộp cheo cho làng, chỉ là mấy thước gạch, để xây đường. Ngay các cụ ngày xưa, đỗ đạt, ra làm quan cũng đều nghĩ đến làng. Một quan tuần phủ đã cung tiến cho làng cả một con đường đá. Thế nên “ngày mưa đi từ đầu làng đến cuối làng bùn không bén gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc không có một hạt đất ”.
Mặc dù một cái làng tứ xứ đổ về. Nhiều người làng lại ra đi nơi khác làm ăn. Dân Phù Lưu có cả đình vọng ở TP HCM, cả nghĩa trang. Những người ở nơi khác đến vẫn giữ được cái nếp làng bởi vì mọi người chung tay một lòng, thấy cái gốc có rồi, một cái làng khang trang như thế này mình đến thì mình làm cho đẹp thêm chứ ai lại nỡ làm nó xấu đi.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!