Hai giả thuyết về nguồn gốc Covid-19
Theo Reuters, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ngày 27/8 đã công bố báo cáo tóm tắt dài 2 trang về kết quả điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Theo báo cáo, các cơ quan tình báo Mỹ đều thống nhất quan điểm như đã đưa ra trước đó rằng có thể xảy ra 2 giả thuyết.
"Tất cả các cơ quan tình báo đều đánh giá 2 giả thuyết có khả năng xảy ra gồm: virus lây lan tự nhiên thông qua một động vật nhiễm bệnh hoặc do sự cố có liên quan đến phòng thí nghiệm", báo cáo viết.
Cụ thể, báo cáo tóm tắt cho biết, 4 cơ quan tình báo và Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá Covid-19 có thể gây ra do quá trình tiếp xúc tự nhiên với động vật nhiễm bệnh. Một cơ quan tình báo đánh giá, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở người có thể là hệ quả của một sự cố liên quan đến phòng thí nghiệm như "sự cố trong quá trình làm thí nghiệm, trong quá trình tiếp xúc với động vật, hay quá trình lấy mẫu thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc)". Trong khi đó 3 cơ quan tình báo Mỹ nói chưa thể kết luận 2 giả thuyết này khi chưa có thêm thông tin.
Báo cáo cho biết thêm, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể đã xuất hiện và lây bệnh cho con người thông qua tiếp xúc quy mô nhỏ ban đầu trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đổ về trước.
Báo cáo nhấn mạnh, cộng đồng tình báo Mỹ cần thêm thông tin về giai đoạn đầu của đại dịch để đưa ra "giải thích chắc chắn hơn về nguồn gốc Covid-19" và điều này đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc.
"Cộng đồng tình báo và cộng đồng khoa học toàn cầu vẫn thiếu các mẫu xét nghiệm lâm sàng hoặc dữ liệu về các ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Để đưa ra kết luận chắc chắn hơn cần sự hợp tác của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục gây trở ngại cho cuộc điều tra toàn cầu, từ chối chia sẻ thông tin và đổ lỗi cho các nước khác, trong đó có Mỹ", báo cáo tóm tắt viết.
Tuy chưa thể đưa ra kết luận về nguồn gốc Covid-19, nhưng cộng đồng tình báo Mỹ đã bác bỏ một số giả thuyết. Ví dụ, họ cho rằng, Covid-19 không phải là vũ khí sinh học như một số nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đặt ra nghi vấn hồi năm ngoái. Hầu hết cơ quan tình báo Mỹ cũng tin rằng, virus SARS-CoV-2 được biến đổi gen trong phòng thí nghiệm.
Những tranh cãi về nguồn gốc Covid-19 được xới lại hồi tháng 3 năm nay sau khi Thời báo phố Wall đăng tải một thông tin tình báo nói rằng, 3 nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc phải nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 hồi tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin này cũng như bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán.
Nỗ lực điều tra chưa dừng lại
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 5 đã yêu cầu các cơ quan tình báo nỗ lực gấp đôi để tìm ra câu trả lời rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch trong vòng 90 ngày. Báo cáo công bố sau 90 ngày điều tra cho thấy, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn không thể kết luận chắc chắn về hai giả thuyết mà họ đưa ra trước đó.
Trong tuyên bố phát đi sau khi báo cáo được công bố, ông Biden nói: "Mặc dù quá trình đánh giá này đã kết thúc, nhưng nỗ lực của chúng tôi nhằm tìm hiểu nguồn gốc đại dịch sẽ chưa dừng lại. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để truy tìm nguồn gốc đại dịch đã gây ra nhiều đau đớn và chết chóc khắp thế giới, để có thể ngăn chặn đại dịch xảy ra trong tương lai".
Ông Biden cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong hỗ trợ điều tra. "Những thông tin quan trọng về nguồn gốc đại dịch nằm ở phía Trung Quốc, tuy nhiên, ngay từ đầu giới chức Trung Quốc đã ngăn các nhà điều tra quốc tế và các chuyên gia y tế tiếp cận những thông tin đó".
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về các ca nhiễm Covid-19 ban đầu để tạo điều kiện cho giai đoạn hai của cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch sau chuyến điều tra của nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những cáo buộc cho rằng giới chức nước này che giấu đại dịch, đồng thời chỉ trích báo cáo điều tra của cộng đồng tình báo Mỹ.
Hôm 24/8, thời điểm kết thúc thời hạn 90 ngày điều tra của cộng đồng tình báo Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói báo cáo sắp công bố của Mỹ "sẽ không có gì khác ngoài việc cắt ghép thông tin rời rạc để quy kết trách nhiệm và khẳng định những kết luận đã được đặt điều từ trước với một số chứng cứ lựa chọn". Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ "chính trị hóa" một vấn đề khoa học.
Reuters nhận định, báo cáo mới công bố có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn nữa trong bối cảnh mối quan hệ này đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Theo Reuters, Guardian