Tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm

Nước mắm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu với thị phần còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Ngày 24/6/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công Hội thảo Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm: Định hướng và Giải pháp”.

Khai mạc và chỉ đạo Hội thảo có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sự kiện còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo các hiệp hội liên quan cùng đông đảo hội viên của 2 Hiệp hội.

Xuất khẩu thực phẩm nói chung và xuất khẩu nước mắm nói riêng luôn là mục tiêu của các nhà sản xuất - kinh doanh và Chính phủ các quốc gia có thế mạnh về ngành hàng này. Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi và có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nước mắm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít… Ngày nay, nước mắm không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Ngành hàng nước mắm Việt Nam những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất, đáp ứng khẩu vị cũng như tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nước mắm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu với thị phần còn khiêm tốn so với tiềm năng. Định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm là nội dung các báo cáo tham luận và những vấn đề thảo luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoan nghênh việc các Hiệp hội thảo luận, xây dựng và đề xuất giải pháp định hướng phát triển ngành nước mắm Việt Nam trong thời gian tới, chỉ đạo các đại biểu tại Hội thảo tập trung báo cáo, cho ý kiến để phát triển bền vững ngành hàng nước mắm với các nội dung cụ thể như: Khôi phục và phát huy các mô hình, làng nghề chế biến nước mắm, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nước mắm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, cần thiết phải có một đề tài nghiên cứu đánh giá rủi ro, nguy cơ histamin trong nước mắm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nước mắm.

ong-phung-duc-tien-thu-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-khai-mac-va-chi-dao-hoi-thao.jpg
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai mạc và chỉ đạo Hội thảo.

Các báo cáo tham luận của Hội thảo gồm: Báo cáo “Hiện trạng sản xuất nước mắm tại Việt Nam năm 2022 và một số kiến nghị” của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Báo cáo tham luận “Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm dưới góc nhìn văn hóa ẩm thực và khoa học - công nghệ” của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Báo cáo “Lợi ích của nước mắm với sức khỏe con người” của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.

TS Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Giám đốc Văn phòng Kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam cho biết, xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỷ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng.

Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD.

Để phát triển bền vững ngành hàng nước mắm phục vụ xuất khẩu, cầnđảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng, tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm. Đồng thời, cần nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho Nước mắm Việt Nam.

tien-si-tran-dang-chu-tich-hiep-hoi-nuoc-mam-viet-nam-trinh-bay-ao-cao-loi-ich-cua-nuoc-mam-voi-suc-khoe-con-nguoi-.jpg
TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam trình bày áo cáo “Lợi ích của nước mắm với sức khỏe con người”.

TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chia sẻ, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hỗ trợ các hội viên đẩy mạnh quảng bá, bảo vệ thương hiệu, khả năng cạnh tranh, xuất khẩu của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã kết nối các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học để có những đề tài, dự án mang tính ứng dụng cao, giúp các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gia tăng hiệu suất thu hồi đạm, có được các sản phẩm nước mắm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam mong muốn phát triển ngành hàng nước mắm của chúng ta giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Ở đó, có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa khoa học và truyền thống, giữa tinh hoa lâu đời và thước đo công nghệ chính xác để cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon có chất lượng đồng nhất và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng ở nhiều thị trường. Đó cũng chính là sứ mệnh của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam “Kế thừa và phát triển”.

Giáo sư, tiến sĩ Lưu Duẩn - Trưởng Ban Tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhận định việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao.

Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000… nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu. Bên cạnh đó, cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn.

giao-su-tien-si-luu-duan-truong-ban-tu-van-hiep-hoi-van-hoa-am-thuc-viet-nam-bao-cao-tham-luan-day-manh-xuat-khau-nuoc-mam-duoi-goc-nhin-van-hoa-am-thuc-va-khoa-hoc-cong-nghe-.jpg
GS.TS Lưu Duẩn, Trưởng ban Tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam báo cáo tham luận “Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm dưới góc nhìn văn hóa ẩm thực và khoa học - công nghệ”.

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trong Đề án xây dựng và phát triển các món ăn thuần Việt thành thương hiệu quốc gia nhằm giúp nước mắm, các sản phẩm chế biến từ nước mắm, các thương hiệu nước mắm có vị trí xứng đáng. Hai Hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các Lễ hội nước mắm để giới thiệu “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tất cả các hoạt động trên cần được quảng bá rộng rãi thông qua việc công bố công trình khoa học về nước mắm Việt Nam hoặc tham gia các Hội Nghị - Hội Chợ Thực phẩm lớn trên thế giới.

Các báo cáo, tham luận tại Hội thảo đều nhận được các ý kiến thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phản ánh sự quan tâm, nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sự cấp thiết của việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm. Các giải pháp và kiến nghị cũng được nêu tại Hội thảo. Đồng thời, các hội viên cũng đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp giúp sản phẩm nước mắm Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu, từ đó khẳng định vị thế của nước mắm Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Hội thảo kết thúc tốt đẹp và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ tiếp tục chủ trì hoặc đồng phối hợp tổ chức các chuyên đề thảo luận khác, vận động hội viên đầu tư nghiên cứu khoa học, thay đổi ng nghệ nhằm xây dựng ngành sản xuất nước mắm Việt Nam ngày càng phát triển.

Theo Đời sống
Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Ngoài việc nghiệm thu, quyết toán không đúng khối lượng, đơn giá hạng mục tại nhiều công trình, Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An còn không nộp trả ngân sách Nhà nước chi phí quản lý dự án, đầu tư xây dựng không có đối tượng chi trả.
back to top