Độc hại của nước mắm từ phế phẩm

(khoahocdoisong.vn) -Loại nước mắm được làm từ phế phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt, xác cá qua ủ chượp... không có dinh dưỡng, được bán với giá rất rẻ... tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho chức khỏe người tiêu dùng.

Nước mắm làm từ phế phẩm

Theo tài liệu của Phòng Thanh tra chuyên ngành 1 – Bộ NN&PTNT tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 (diễn ra vào chiều 10/1), trong năm 2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một số vi phạm tại 4 công ty sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TPHCM.

Cụ thể, các doanh nghiệp này đã sử dụng soda công nghiệp và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất nước mắm. Các nguyên liệu này sau khi xử lý được cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống). Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm). Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ.

Soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh) được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (pH từ 3 – 4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít. Còn nguyên liệu nước bột ngọt Vedan (nước bột ngọt) là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt của Công ty. Được sản xuất ra ở công đoạn sau kết tinh , hóa chất HCl được cho thêm vào để hỗ trợ chế biến. Qua 3 lần tách axit glutamic sẽ thu được sản phẩm nước bột ngọt gồm thành phần chính là MSG – monosodium glutamte (khoảng 2%), muối NaCl (khoảng 8%), còn lại là nước.

Nước mắm không có dưỡng chất

Theo quy trình, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120kg Na2CO3 (soda công nghiệp) để trung hòa axit trong dịch bột ngọt, đun bằng hơi nước trong thời gian 40 – 50 giờ, sau đó dung dịch thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25 – 35oN. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho đi qua cá đã ủ chượp (chủ yếu là xác cá) hoặc bán luôn cho cơ sở sản xuất nước mắm. Bán dịch nước mắm này (còn gọi là nước hoa cà) với giá 7.000 – 9.000 đồng/lít. Đây là loại nước hoa cà có giá thành rất rẻ, được một số doanh nghiệp pha ra, đóng chai để bán cũng với giá rẻ hơn nhiều nước mắm.

TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Thủy sản (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, đây không thể gọi là nước mắm mà phải quy vào tội kinh doanh hàng giả. Bởi nước mắm phải được làm từ cá và muối, còn đây hoàn toàn không có các yếu tố của cá và muối. Quy trình sản xuất khác, nguyên liệu khác, thì không thể nói là sản xuất nước mắm.  Nói đơn giản, nguyên liệu nước bột ngọt Vedan về bản chất là nước thải trong quá trình sản xuất mì chính. Nay họ không xử lý nữa mà cô đặc lại thành một nguyên liệu để sản xuất nước mắm. 

“Những chai nước mắm được quảng cáo là nước mắm tiết kiệm, nước mắm siêu rẻ, có giá thành đúng là rẻ đến bất ngờ, chỉ khoảng 45.000 đồng/can 5 lít, đa phần đều được sản xuất từ loại nước hoa cà này. Với quy trình sản xuất nêu trên thì loại nước được cho là nước mắm này không có dinh dưỡng, chỉ có chút vị ngọt của chất thải sản xuất mì chính, xác cá, đầu tôm cùng những hóa chất khác. Cơ quan chức năng cần làm rõ việc sản xuất này có từ bao giờ, đã đưa ra thị trường bao nhiêu lít và cũng nên công bố cụ thể tên các doanh nghiệp vi phạm để người tiêu dùng biết mà tránh.”, TS Trần Thị Dung cho biết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top