Lạ lùng hai hiệp hội nước mắm ra đời cùng một ngày

(khoahocdoisong.vn) - Trong ngày 27/10, đã diễn ra hai “Đại hội thành lập”, tại hai địa điểm khác nhau của hai Hiệp hội nước mắm Việt Nam (NMVN) và Hiệp hội nước mắm truyền thống (NMTT).

Hai hiệp hội "na ná" như nhau 

Thông tin bổ sung, cả 2 hiệp hội này đều cùng nhận được 2 quyết định thành lập Hiệp hội từ Bộ Nội vụ, đều được ký cùng ngày 3/9/2020 và liên tiếp nhau: QĐ 609/QĐ-BNV cho HH NMTT và QĐ 610/QĐ-BNV cho Hiệp hội NMVN. Về số lượng, Hiệp hội NMVN có khoảng 280 hội viên và HH NMTT có khoảng 128 hội viên.

Tất nhiên, hai hiệp hội sẽ có con dấu trụ sở, logo riêng và tên tiếng Anh riêng. Ngoài những khác biệt ấy, điều lệ hoạt động của cả 2 hiệp hội tương đối giống nhau, chẳng hạn như mục tiêu chung là tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm; phối hợp, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực có liên quan; liên kết phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nước mắm đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Thực tế, đây là vấn đề đã được Bộ Nội vụ nói rõ khi trả lời xin thành lập Hiệp hội NMTT và Hiệp hội NMVN năm 2018: “Trong cùng thời điểm đã có hai đề nghị thành lập hiệp hội với tên gọi gần giống nhau, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước. Do đó, Bộ Nội vụ chưa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết về đề nghị thành lập 02 hiệp hội này theo quy định của pháp luật”.

Điểm tương đồng này còn thể hiện qua cách phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nơi cả 2 hiệp hội này đều là đơn vị thành viên. Bài phát biểu của ông Lộc vào buổi sáng và buổi chiều (thời gian diễn ra sự kiện đại hội thành lập mỗi hiệp hội) đều giống nhau: Đều công nhận hiệp hội thành viên, khuyến khích việc phát triển nước mắm, đưa nước mắm nói riêng và ẩm thực Việt nói chung vươn tầm thế giới…

Còn đối với những người “trong nghề”, phân biệt sự khác nhau này là ở 2 chữ “truyền thống”. Ông Vũ Thế Thành, một chuyên gia và là thành viên trong ban vận động thành lập Hiệp hội NMTT khẳng định: Đặc trưng của nước mắm không phải là do vị mặn, mà là hương và vị. Hương là mùi thơm đặc trưng của nước mắm, mỗi vùng ủ nước mắm sẽ có một mùi hương khác nhau. Vị là hậu vị, từ acid amin phân giải từ đạm có trong cá. Còn nước mắm công nghiệp là cách ông Thành chỉ loại mắm pha chế đại trà, không có hương vị riêng của từng vùng miền, còn các chất tạo vị cũng không thể cho ra hậu vị tự nhiên có trong nước mắm truyền thống.

Trong tư cách một sản phẩm phổ dụng, có sản lượng tiêu thụ lớn, việc thiếu vắng các liên tưởng về thị trường trong định nghĩa dường như là khá đáng tiếc. Sự thiếu vắng ấy thể hiện trong "định nghĩa" nước mắm - đặc biệt là nước mắm truyền thống. Cũng có thể hiểu, từ "truyền thống" khi gắn liền với từ "nước mắm" là dấu hiệu nhận biết để có thể tạo được thuận lợi về thị trường. Nhưng định vị gắn với truyền thống không phải là thuận lợi duy nhất, có tính bao quát, với sản phẩm nước mắm. Đó là chỉ một trong số các lựa chọn.    

Buộc chân khó đi nhanh

Về số lượng, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cả nước hiện có hơn 3.000 cơ sở doanh nghiệp sản xuất và hoạt động trong lĩnh vực nước mắm. Hiện, nước mắm Việt Nam đã xuất khẩu được tới 25/198 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, ông Tiến kỳ vọng việc thành lập hiệp hội sẽ giúp nước nắm Việt vững vàng trên thị trường và mạnh mẽ hơn trong sản xuất, xuất khẩu. 

Tại đại hội thành lập Hiệp hội NMVN vào buổi sáng 27/10, các nhà sáng lập chọn khẩu hiệu thành lập hiệp hội dựa trên hai nguyên tắc Kế thừa - Phát triển. Với hàm nghĩa các thành viên hiệp hội này sẽ cùng đoàn kết để tiếp thu, lưu giữ và phát triển tinh hoa nghề cổ truyền sản xuất nước mắm của Việt Nam.  

Còn trong video giới thiệu về nghề làm nước mắm truyền thống phát vào buổi chiều 27/10, những nhà sáng lập Hiệp hội NMTT cho biết thông tin không chính xác, hay còn gọi "sự cố asen" vài năm trước quét qua nghề làm nước nắm truyền thống, đã khiến nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm lao đao, thậm chí đóng cửa.

Dù các nhà sáng lập đều tránh nói tới, nhưng thực tế việc thành lập tới hai hiệp hội có thể coi như điển hình cho cuộc tranh cãi về tên gọi nước mắm hiện nay ở Việt Nam. Và đó là cuộc tranh cãi khá gay gắt. Không ít ý kiến cho rằng, nước mắm là danh từ chung chỉ sản phẩm thu được từ hoạt động ủ chượp cá. Và tùy theo nguyên liệu đầu vào, nước mắm được gắn thêm hậu tố chỉ dẫn đằng sau gắn với tên địa phương nơi sản xuất như Cát Hải, Phú Quốc, hay tên do nhà sản xuất đặt.

Từ đây, có ý kiến cho rằng cần phân định rõ ràng loại nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống và loại nước mắm sản xuất không theo phương pháp truyền thống, thường gọi là nước mắm công nghiệp. 

Theo ông Vũ Thế Thành, "nước mắm truyền thống" và "nước mắm công nghiệp" đều có những lợi thế riêng để chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ, "nước mắm công nghiệp" có đội ngũ maketing, truyền thông và cả cách sản xuất có thể đáp ứng được cho lượng lớn người. Trong khi đó, "nước mắm truyền thống" lưu giữ được những gì “hồn cốt”, “quốc hồn quốc túy” nhất, bởi mỗi vùng làm nước mắm sẽ tạo ra nước mắm có mùi vị riêng, điều mà "nước mắm công nghiệp" không thể có.

Còn theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội NMVN, hai hiệp hội này hoạt động không có gì mâu thuẫn với nhau, khi vừa đi sâu vào giữ truyền thống làm nước mắm và vừa nghiên cứu, kiểm nghiệm, truyền thông, kinh doanh. 

Thực tế, là những nhà kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm đều chung một mong muốn gia tăng sản lượng, nâng tầm thương hiệu. Tức là, theo thời gian, nếu sản phẩm của "nước mắm truyền thống" được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, liệu các thành viên Hiệp hội NMTT có "công nghiệp hóa" sản xuất của mình để phục vụ?

Và ngược lại, các nhà sản xuất nước mắm đang chịu cáo buộc là "công nghiệp" hiện nay có sẵn sàng giảm sản lượng, bỏ thị trường, trở lại phương thức sản xuất cũ... để chỉ "được" gắn nhãn "truyền thống"?

Nếu nhìn từ những sản phẩm có tính đại chúng toàn thế giới như CocaCola, Pepsi, fomat các loại, Heineken, Chivar... có thể thấy, công chúng quan tâm trước tiên tới hợp khẩu vị, sau đó mới tới thông điệp văn hóa từ truyền thống của sản phẩm ấy. Trong mỗi dòng sản phẩm, cũng phân tầng lớp cao cấp, bình dân... Câu chuyện với nước mắm cũng tương tự. Công chúng quan tâm trước tiên là nước mắm phải hợp khẩu vị cá nhân, các từ "truyền thống" hay "Cát Hải hay Phú Quốc" mang tính chất chỉ dẫn, tác động một phần tới lựa chọn.

Thế thì, phải có tới 2 hiệp hội để phân định từ "truyền thống" hay "công nghiệp" để làm gì? Khi mọi giá trị truyền thống đều cần tới hiện tại để tiếp tục tồn tại? Không có thị trường, không mở rộng xuất khẩu được, "truyền thống" hay "công nghiệp" có còn cần thiết không?

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Trong quý 3/2024, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.698 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của VNSteel ghi nhận gần 138 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp co hẹp lại còn 1,58%.
back to top